Xuất hiện khoảng từ thế kỷ X, tới nay, dù có lúc thăng trầm nhưng nghệ thuật chèo vẫn cho thấy sức sống bền bỉ.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, thế hệ gen Z dường như xa lạ với các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo. Vì vậy, để nghệ thuật chèo tới gần thế hệ trẻ, cần có cách tiếp cận mới, giúp các em “chạm” tới di sản một cách hứng khởi.
“Xuyên không” về quá khứ
Vở chèo "Quan Âm Thị Kính" là một trong những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật chèo Việt Nam. Vở chèo mang thông điệp về thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến xưa, phải tuân theo “tam tòng tứ đức”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên không ít người lâm vào cảnh truân chuyên suốt cuộc đời. Và, Thị Kính là một người như thế.
Tuy nhiên, với thế hệ trẻ ngày nay, quả là khó hiểu vì sao Thị Kính phải chịu bao oan khuất mà không hề thanh minh. Tại sao khi bị Thị Mầu vu oan là “tác giả” của đứa con trong bụng, Thị Kính cũng không hé răng nửa lời? Tại sao Thị Kính lại phải giả nam để đi tu?...
Để giải đáp cho những câu hỏi đó, thông qua vở diễn “Thị Mầu xuyên không”, ê kíp sáng tạo đưa khán giả “xuyên không” về quá khứ, tận mắt chứng kiến diễn biến cùng sự lý giải của “giáo sư biết tuốt” Tommy và cô gái trẻ Lucy trong từng trích đoạn, qua đó giúp khán giả trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về lề thói khắt khe, cổ hủ thời phong kiến, đồng thời thấy được sự tinh tế và tính giáo dục cao trong các tác phẩm chèo.
“Thị Mầu xuyên không” là tác phẩm rút gọn của “Quan Âm Thị Kính” với thời lượng giảm từ gần 3 giờ xuống còn 60 phút. Mặc dù được dàn dựng theo phong cách mới, sử dụng đan xen yếu tố nhạc kịch hiện đại nhưng “Thị Mầu xuyên không” vẫn giữ được "chất" chèo truyền thống qua lời thoại, cấu trúc lớp trò, âm nhạc chèo, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu... Nhờ vậy, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận nghệ thuật chèo, qua đó hình thành tình yêu với văn hóa truyền thống.
“Thị Mầu xuyên không” là một trong những vở diễn nằm trong Dự án Sân khấu học đường giáo dục di sản dành cho học sinh lứa tuổi 8 - 17, do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện.
Chia sẻ về vở diễn này, Đạo diễn Ninh Quang Trường cho biết: “Kho tàng nghệ thuật chèo có rất nhiều tác phẩm hay, nhưng không phải tác phẩm nào cũng phù hợp để chuyển soạn thành tác phẩm sân khấu học đường. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đây là đề tài vô cùng hấp dẫn dành cho học sinh bởi có thể kết nối tác phẩm gốc “Quan Âm Thị Kính” với tác phẩm mới “Thị Mầu xuyên không” thông qua tính hấp dẫn, bất ngờ liên tục xảy ra trong cuộc đời của Thị Kính. Bằng việc thử nghiệm thủ pháp “xuyên không”, chúng tôi đưa các nhân vật trong tác phẩm gốc đến hiện tại và đưa học sinh hiện tại trở về thời kỳ phong kiến để có sự trao đổi, đối thoại, từ đó đưa ra những góc nhìn đa chiều. Đó chính là yếu tố giáo dục trong nghệ thuật biểu diễn”.
Bên cạnh vở chèo “Thị Mầu xuyên không”, trong khuôn khổ chương trình Sân khấu học đường giáo dục di sản, học sinh còn tham gia nhiều trò chơi tương tác thú vị tại 7 trạm trải nghiệm được thiết kế riêng, mỗi trạm sẽ là một thử thách mà các em phải vượt qua.
Tại trạm “Tích tịch tình tang”, các em sẽ làm quen với các loại nhạc cụ dân gian truyền thống, nghe các nghệ sĩ chia sẻ về đặc điểm của các loại đàn và so sánh với những nhạc cụ khác trên thế giới. Nhiều em đã ồ lên thích thú khi được nghe các nghệ sĩ chơi những bản nhạc “hot trend” của giới trẻ bằng nhạc cụ dân tộc, mang lại sự cảm nhận hoàn toàn mới lạ. Bên cạnh đó là các trạm trải nghiệm như “Mật mã di sản”, “Hế hế hế”, “Chiềng làng chiềng chạ”, “DJ chèo”... mang tới cho các em tiếng cười và sự tương tác vui nhộn, bổ ích.
Hào hứng chia sẻ sau khi trải nghiệm tại trạm “Tích tịch tình tang”, Lưu Minh Hà, học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em trực tiếp xem một vở chèo và tham gia các trải nghiệm thú vị. Em rất vui vì biết thêm một loại hình nghệ thuật truyền thống và được tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống”.
Phương pháp tiếp cận mới
Bằng việc đưa ra phương pháp tiếp cận mới với ngôn ngữ hiện đại, chương trình Sân khấu học đường giáo dục di sản với vở diễn “Thị Mầu xuyên không” đã giúp các em học sinh không còn cảm thấy nghệ thuật truyền thống nhàm chán, khó hiểu. Việc tiếp cận theo cách này sẽ khiến những em yêu thích nghệ thuật chèo tiếp tục đến xem bản “full” (đầy đủ) kéo dài 3 giờ.
“Chỉ cần 30% số học sinh quay lại xem bản full là chúng tôi thành công rồi, vì điều đó cho thấy đây là cách tiếp cận đúng đắn, và chèo đã “chạm” đến khán giả trẻ” - đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ.
Ghi nhận và đánh giá cao ý tưởng, phương pháp tiếp cận thế hệ trẻ của Nhà hát Chèo Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Hà Minh Thắng cho rằng: “Phương pháp mới này sẽ góp phần thúc đẩy học sinh tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống. Đây cũng là chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tiếp tục triển khai, giới thiệu văn hóa truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương...”.
Chương trình Sân khấu học đường giáo dục di sản mang lại lợi ích cho các bên liên quan. Nhờ chương trình trải nghiệm được thiết kế riêng cho học sinh, các nghệ sĩ có dịp làm mới mình, hòa cùng hoạt động của các bạn trẻ và truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống cho các em. Nhà hát cũng có cơ hội “đỏ đèn” nhiều hơn, thu hút khán giả nhiều hơn và có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động. Còn học sinh có thêm chương trình ngoại khóa bổ ích, đáp ứng yêu cầu học lịch sử, văn hóa địa phương theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với cách tiếp cận mới, lại đáp ứng được mục tiêu của hai ngành Văn hóa, Giáo dục trong việc đưa di sản văn hóa của địa phương vào chương trình học nhằm bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, chương trình Sân khấu học đường giáo dục di sản là một sản phẩm công nghiệp văn hóa điển hình.
Nói như Quyền Giám đốc Trung tâm VICH Nguyễn Thị Lệ Quyên, đây là những "điểm chạm nghệ thuật" bằng phương pháp giáo dục. “Những điểm chạm này giúp học sinh không còn xa lạ với nghệ thuật chèo. Như thế sẽ không còn trở lực nào ngăn cản các em tìm hiểu sâu hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó chính là những gì chúng tôi kỳ vọng khi xây dựng chương trình này”.
Đề cập đến việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống trong bối cảnh hiện nay, NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: Nghệ thuật chèo trong dòng chảy văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc luôn kế thừa và đổi mới để tiếp cận với nhiều thế hệ khán giả. Xã hội thay đổi thì con người phải thay đổi. Vì thế, cần xác định được đối tượng khán giả và nhu cầu của họ để có biện pháp bảo tồn phù hợp, sao cho nghệ thuật chèo truyền thống không bị biến dạng nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Đặc biệt, cần cho đối tượng khán giả trẻ thấy được cái hay cái đẹp, cái hồn cốt của văn hóa truyền thống để các em hiểu và chủ động tham gia gìn giữ di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.