(HNM) - Chưa quyết liệt trong xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo; chậm và lúng túng trong lập tiến độ các bước xử lý; cơ chế phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn trong tham mưu xử lý thiếu chủ động; người dân có công trình thiếu hợp tác tích cực…
8 quận có công trình siêu mỏng, siêu méo
Đến tháng 1-2015, trên địa bàn thành phố còn 174 công trình siêu mỏng, siêu méo tại 8 quận: Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Ngay khi có kết luận giám sát của Thường trực HĐND thành phố về chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, xử lý nhà đất siêu mỏng, siêu méo, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận thực hiện các biện pháp xử lý, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm. Tính đến tháng 11-2015, chỉ có quận Đống Đa xử lý, giải quyết dứt điểm 8 trường hợp. Hiện còn tồn tại 166 trường hợp (Ba Đình 69 trường hợp, Đống Đa 19 trường hợp, Hai Bà Trưng 18 trường hợp, Tây Hồ 23 trường hợp, Thanh Xuân 6 trường hợp, Cầu Giấy 9 trường hợp, Hoàng Mai 9 trường hợp, Hà Đông 13 trường hợp).
Nhà siêu mỏng, siêu méo trên phố Trần Phú kéo dài. Ảnh: Nhật Nam |
Báo cáo với Đoàn khảo sát HĐND thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, đây đều là các trường hợp nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính từ nhiều năm trước (hình thành trước năm 2005) như Kim Mã, Lạc Long Quân, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Thụy Khuê, Minh Khai - Vĩnh Tuy, Nguyễn Trãi, Chiến Thắng (Hà Đông)… Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành để thực hiện xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo về cơ bản đã đủ điều kiện để các quận tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các công trình này gặp nhiều khó khăn, do thời điểm kinh tế có nhiều biến động; công tác lập phương án thu hồi (lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án, đền bù, GPMB…) khó thực hiện trong thời gian ngắn. Theo quy định hiện hành, dù diện tích nhỏ hay lớn, khi thu hồi để đầu tư công trình công cộng đều phải thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng, thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, công tác vận động người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối rất khó, vì nhiều trường hợp đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định... Ngoài ra, việc áp dụng chính sách, cơ chế thu hồi đất, bồi thường GPMB chưa nhận được sự đồng thuận từ các hộ dân.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng đã chủ trì thực hiện 24 cuộc thanh tra (trong đó 18 cuộc thanh tra liên ngành), 91 cuộc kiểm tra về trật tự xây dựng về hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý nhà ở và công sở; ban hành 60 quyết định xử phạt, 15 quyết định thu hồi, nộp cho Nhà nước với số tiền hơn 12 tỷ đồng. |
Giải pháp cốt yếu là tuyên truyền, vận động
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo, Sở Xây dựng đã lên kế hoạch, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND các quận, huyện. Trước mắt, các ngành chức năng sẽ kiểm tra hiện trạng, rà soát quá trình hình thành và sử dụng đất của 166 trường hợp tồn đọng. Trên cơ sở đề xuất của các quận, hướng dẫn mới của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng lên phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.
Tại buổi làm việc của Ban Pháp chế HĐND thành phố về nội dung này ngày 17-11, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đều thống nhất các giải pháp xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo. Trong đó, giải pháp được xác định nhanh, gọn nhất là UBND các quận tiếp tục vận động người dân hợp thửa, hợp khối, giảm thủ tục, thuận lợi cho người dân, giảm chi phí cho Nhà nước. Cũng theo quan điểm của Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thu hồi là giải pháp cuối cùng. Cùng với việc đề xuất các phương án xử lý trường hợp tồn đọng, UBND thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị và xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo hai bên tuyến đường trên địa bàn các quận.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo từ đầu năm đến nay đã có chuyển biến, song số lượng xử lý vẫn thấp, còn nhiều bất cập. Để không có tình trạng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, cùng với các biện pháp xử lý quyết liệt tồn đọng trong thời gian tới, thì một giải pháp quan trọng là khi quy hoạch mở các tuyến đường, ngoài phần diện tích thu hồi trong dự án, cơ quan chức năng cần phê duyệt cả phương án cảnh quan, kiến trúc hai bên đường. Có như vậy mới không còn tình trạng dự án đã xong mới xử lý thửa đất méo, vẹo, gây mất mỹ quan đô thị, thời gian kéo dài, gây lãng phí tiền của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.