(HNM) - Năm 2014, Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, với nhiệm vụ trọng tâm đến đầu năm 2020 sẽ phải đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành.
Việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai đang bị chậm tiến độ. |
Hoàn thành mục tiêu trong năm 2019?
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) cho thấy, trong năm 2017, Văn phòng Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn. Đó là, thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm triển khai phần mềm đăng ký, quản lý cư trú; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ triển khai dự án.
Song song đó, việc cung cấp số định danh cá nhân thông qua cấp căn cước công dân và đăng ký khai sinh cũng được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, bảo đảm nhanh gọn với thời gian chờ đợi tính bằng phút. Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục mở rộng việc cấp số định danh cá nhân đến các địa phương, bảo đảm đến năm 2019, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều được cấp số định danh cá nhân theo quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và chỉ đạo của Chính phủ.
Đi vào những con số cụ thể do Ban Chỉ đạo Đề án 896 cung cấp càng thấy rõ sự chuyển biến tích cực này. Tiêu biểu là thông qua việc cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố, Bộ Công an đã cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân cho công dân. Hai bộ Công an và Tư pháp phối hợp triển khai việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh qua việc đăng ký khai sinh tại 19 tỉnh, thành phố, hiện đã cấp hơn 900 nghìn số định danh cá nhân...
Dù vậy, nhìn tổng thể, tiến độ xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm so với kế hoạch. Một số địa phương chưa thành lập ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai cụ thể theo kế hoạch triển khai Đề án 896 chung của Chính phủ. Do đó, mục tiêu chậm nhất ngày 1-1-2020 phải đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang là thách thức.
Vướng mắc về tài chính
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn kinh phí thực hiện. Ban đầu dự định ứng vốn để làm nhưng sau lại vướng Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Nếu thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể bãi bỏ được hộ khẩu, quản lý theo “di dịch cư” như nước ngoài vẫn làm”.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gốc của quản lý dân cư, nếu tiến độ xây dựng chậm sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua. Ban Chỉ đạo Đề án 896 cần có chương trình cụ thể hơn, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nội dung này.
Tháo gỡ vướng mắc về vốn, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo Đề án 896 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc rà soát lại, để tránh sự chồng chéo.
Ngoài giải quyết vướng mắc về nguồn kinh phí, xem xét lại tính đồng bộ của hệ thống pháp luật là yêu cầu quan trọng đặt ra. Rà soát việc ban hành 17 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân cho thấy, thực hiện được các nghị quyết này cần sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đạo luật, nghị định thì mới có thể triển khai. Song câu hỏi đặt ra là các bộ, ngành có dám sửa đổi những thủ tục có tác động mạnh mẽ đến người dân, doanh nghiệp nhưng lại làm giảm đáng kể “quyền lực” của mình không? Vì như đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, các thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian qua nhiều nhưng chủ yếu là những quy trình đơn giản, còn chưa cắt giảm triệt để nhiều thủ tục có tác động mạnh mẽ đến xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.