Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm lo sức khỏe sau tết

Theo Tuổi trẻ| 24/02/2015 10:30

Kỳ nghỉ tết đã kết thúc và sau mùa tết, một số bệnh tật có thể “ghé thăm” bạn.

Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết được một số vấn đề sức khỏe liên quan mùa tết và có thể chăm lo cho chính mình.

Rau xanh và trái cây là một trong những “phương thuốc” tốt nên dùng những ngày sau tết - Ảnh: T.T.D.


1. Ăn uống

- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Bớt thức ăn nhiều dầu mỡ giúp hệ tiêu hóa - gan mật không chịu nhiều áp lực, chú ý ăn đúng giờ, không bỏ bữa.

- Ăn ít năng lượng: Tránh xa nước ngọt và các loại mứt, bánh kẹo.

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây vì chúng có nhiều vitamin, khoáng chất và nhiều chất chống oxy hóa giúp giải độc, rất tốt cho gan, chống táo bón và rối loạn tiêu hóa.

- Chú ý ăn nhiều cam, quýt, bưởi, dâu tây vì chúng chứa nhiều vitamin C có tác dụng giúp cơ thể xử lý các chất thải tích tụ, giảm căng thẳng, chống mệt mỏi.

- Ăn ít thịt, nhất là thịt màu đỏ.

- Nên chú ý ăn cá.

- Không ăn quá mặn: hạn chế mắm, thịt nguội, các món kho. Nên ăn đồ luộc, đồ hấp

- Uống nhiều nước: Nên uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để giúp thận thải các chất độc ra khỏi cơ thể.

- Hạn chế rượu bia.

- Uống trà nóng: Một hoặc hai tách trà nóng mỗi buổi sáng rất tốt vì trà xanh giàu chất chống oxy hóa có tác dụng giải độc rất mạnh, giảm mỡ “xấu” trong máu. Ngoài ra trà còn giúp tăng cường hô hấp, giải stress.

2 Sinh hoạt

- Ngủ đủ giấc: Ngủ bù với một giấc ngủ sâu vào ban đêm sẽ giúp giảm hẳn sự mệt mỏi. Để ngủ ngon, chúng ta không nên ăn quá no vào buổi tối trước khi ngủ.

- Ngâm chân với nước ấm trước khi ngủ: Giúp ngủ ngon đồng thời làm mạch máu giãn nở, tăng cường tuần hoàn máu.

- Đừng quên tập thể dục và vận động: Giúp cải thiện lượng đường và lượng mỡ trong máu, có tác dụng tốt cho huyết áp và nhịp tim, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể và loại bỏ độc tố.

+ Hãy năng làm việc nhà: Làm những việc nhà lặt vặt có thể giúp cải thiện hoạt động của hệ tim mạch, có lợi cho tim.

+ Đi bộ ít nhất 15-30 phút mỗi ngày: Giúp tâm trạng chúng ta tốt hơn, đồng thời giúp tăng lượng mỡ “tốt”, giảm lượng mỡ “xấu” trong máu.

+ Tập hít thở sâu: Giúp tăng cường thải thán khí, cung cấp nhiều oxy cho bộ não giúp các tế bào trong cơ thể lấy lại cân bằng.

+ Cười thật nhiều khi có thể: Nghe rất đơn giản nhưng lại là cách rất hiệu quả giúp giải stress, tăng cường miễn dịch cho cơ thể chống lại bệnh tật.

3 Kiểm tra sức khỏe

Các đối tượng nên gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe sau tết:

- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch, bệnh khớp.

- Người trên 40 tuổi dù chưa có triệu chứng.

- Người thừa cân, béo phì.

- Người có tiền sử bị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn mỡ máu.

- Người có tiền sử bị viêm loét dạ dày, sỏi mật, gan nhiễm mỡ, bệnh gút.

- Người có tiền sử viêm gan B, viêm gan C dù ở thể yên lặng.

Các bệnh dễ “ghé thăm”

1. Bệnh tiêu hóa

- Rối loạn tiêu hóa: Là hậu quả của việc ăn uống thất thường trong những ngày tết. Ăn quá nhiều, quá ít, ăn không điều độ, ăn nhiều béo, ăn ít chất xơ, uống nhiều chất kích thích (cà phê, bia).

- Viêm loét dạ dày: Do hậu quả của việc ăn nhiều chất chua cay, gia vị kèm theo bia rượu và ăn không đúng bữa trong những ngày xuân.

2. Bệnh gan - mật

- Sỏi mật: Do ăn nhiều chất béo và ít vận động cộng thêm tuổi tác.

- Gan nhiễm mỡ: Ăn uống ngày tết với nhiều chất mỡ béo, ít rau xanh dễ làm gan bị nhiễm mỡ, thêm vào đó uống rượu bia liên tục trong các bữa tiệc liên miên là yếu tố gây nên gan nhiễm mỡ.

- Viêm gan: Bia rượu là chất độc và sẽ gây hại lên tế bào gan, cuối cùng là tiêu diệt chúng. Ngoài ra, rượu bia phải qua gan để hóa giải và nếu bạn uống quá nhiều, các tế bào gan sẽ bị quá tải rồi bị phá hủy.

3. Bệnh về da liễu:

Việc “bội thực” các loại mỹ phẩm làm đẹp ngày tết và để da tiếp xúc với ánh nắng, bụi bẩn thường xuyên khi “đi chơi tết” có thể làm da mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc, lão hóa da, nám da.

4. Bệnh tiểu đường - tim mạch:

Sau mùa tết, người đã bị tiểu đường thường bệnh không ổn định, còn người có nguy cơ bị tiểu đường sẽ dễ mắc bệnh vì bánh mứt, nước giải khát ngày tết thường chứa nhiều đường, thức ăn ngày tết có nhiều bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, thịt đông với nhiều chất béo dễ làm tăng cân, rối loạn mỡ máu...

Cũng vậy với những người bệnh cao huyết áp và tim mạch, mùa tết là mùa dễ có những biến cố như tai biến mạch máu não và thiếu máu cơ tim gây đau thắt ngực nếu ngủ nghỉ thất thường, dùng nhiều rượu bia hay các món ăn ngày tết chứa nhiều muối.

5. Bệnh gút (thống phong):

Uống rượu bia kèm với các bữa tiệc tùng cùng nhiều thức ăn chế biến từ hải sản hay lòng heo, lòng bò, lòng gà, lòng vịt làm tăng chất axit uric gây những cơn gút cấp tính đối với những người có tiền sử bị bệnh này.

6. Rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi kéo dài.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo sức khỏe sau tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.