Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm đổi mới sẽ mất thị phần

Tuấn Lương| 18/09/2015 06:20

(HNM) - Trước sự phát triển của các loại hình taxi như Uber, Grap, các hãng taxi truyền thống cũng đang phải dần thay đổi phương thức kinh doanh để cạnh tranh nếu không muốn mất thị phần.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng thay đổi là tất yếu và điều đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, cho chính doanh nghiệp (DN) và giảm sức ép lên hạ tầng giao thông các đô thị.

Taxi truyền thống và chuyện "nồi cơm"

Dù mới chỉ thâm nhập thị trường Việt Nam một vài năm, nhưng có thể nói, sự phát triển của các loại hình taxi dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin như Uber, Grap taxi đang khiến các hãng taxi truyền thống từ Bắc đến Nam lo ngại. Qua khảo sát, trung bình 10 hành khách thì có tới 8 người đã từng đi Uber taxi khen xe sạch đẹp, tài xế thân thiện và giá phù hợp. Trong khi đó, hàng tuần Grap taxi đều có những mã tin nhắn khuyến mãi từ 10.000-15.000 đồng/chuyến đi cho các khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ.

Các hãng taxi truyền thống đang dần thay đổi phương thức kinh doanh để cạnh tranh với Uber, Grab taxi. Ảnh: Như Ý


Dường như cảm thấy "nồi cơm" của mình bị ảnh hưởng, các DN taxi truyền thống đã tổ chức các hội thảo kêu gọi người tiêu dùng phản đối loại hình taxi phi truyền thống nói trên. Hàng loạt công văn cũng được các hiệp hội gửi lên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị có biện pháp ngăn chặn Uber taxi với các lý do như Uber hoạt động không minh bạch, không tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, trốn thuế. Thậm chí, các hiệp hội còn viện dẫn nhiều dẫn chứng từ Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… về việc Uber mất an toàn và bị chính phủ nhiều nước dùng các biện pháp mạnh để ngăn chặn…

Còn với Grap taxi, thời gian đầu một số hãng taxi truyền thống đã "bắt tay" làm ăn cùng với Grap, thể hiện qua việc hàng loạt xe dán thêm biểu tượng Grap giúp khách hàng nhận biết. Rồi cũng rất nhanh, hầu hết những hãng đã từng "bắt tay" với Grap lại chấm dứt phối hợp vì cho rằng loại hình này hơi bất bình thường, thể hiện qua giá cước quá rẻ (?!). Thế nhưng, dù bị hiệp hội và các DN taxi truyền thống phản đối, loại hình Uber và Grap taxi vẫn phát triển và ngày càng có nhiều khách hàng.

Ngay cả các cơ quan chức năng như Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GT-VT cũng đã nhìn nhận đúng mức về loại hình taxi phi truyền thống này thay vì cấm đoán, với yêu cầu nhất quán là phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Đầu tháng 9-2015, Ủy ban ATGT quốc gia cùng với taxi Uber ký cam kết bảo đảm ATGT tại Việt Nam - đó chính là một sự thừa nhận. Trước đó, Grap taxi cũng đã ký cam kết cùng với Ủy ban ATGT quốc gia. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống bị người dân phản ứng rất mạnh vì chậm giảm giá cước mỗi khi xăng dầu giảm giá, nhưng luôn tăng rất nhanh theo chiều ngược lại; dừng đỗ đón trả khách sai quy định, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Thị trường không của riêng ai

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Hànộimới lãnh đạo của Uber khẳng định Uber là một DN kinh doanh về công nghệ chứ không kinh doanh vận tải. Tất cả các đối tác ký hợp đồng với Uber đều có đầy đủ pháp lý theo quy định. Uber cũng không đá đổ "nồi cơm" hay đi tranh giành khách hàng một cách không minh bạch với taxi truyền thống. Uber chỉ cung cấp ra thị trường một loại hình sản phẩm mới. Quyền quyết định cuối cùng vẫn ở khách hàng.

Trước sự phát triển của Uber, Grap và trước nguy cơ bị mất thị phần, một số hãng taxi truyền thống đã phải chấp nhận "cuộc chơi" thông qua việc nghiên cứu đầu tư phần mềm ứng dụng gọi xe hoạt động cùng với cách gọi xe qua tổng đài như hiện nay. Ví dụ, taxi Mai Linh đang lắp đặt, bắt đầu thí điểm ứng dụng gọi xe bằng phần mềm trên điện thoại di động có kết nối interrnet. Với phần mềm này, khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về xe, tài xế, giá cả, giờ đón... Khi hành khách có nhu cầu di chuyển, tài xế sẽ chủ động gọi lại để xác nhận thời gian đón tại địa điểm xác nhận. Số tiền đầu tư ban đầu cho phần mềm này vào khoảng 500.000 USD.

Dự kiến đầu năm 2016, taxi Đất Cảng (Hải Phòng) cũng chính thức đưa phầm mềm gọi xe qua điện thoại thông minh vào hoạt động. Trước đó, Tập đoàn Vinasun (TP Hồ Chí Minh) đã thử nghiệm ứng dụng gọi xe taxi-Vinasun App chạy được trên tất cả các hệ điều hành tại một số tỉnh phía Nam.

Đại diện một số DN cho biết, trước sức ép ngày càng lớn của các dịch vụ mới, các hãng vận tải nội địa tự hiểu không thể đứng ngoài cuộc mà phải biết chớp thời cơ, nếu không sẽ tự đánh mất thị phần.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia phân tích, một trong những nguyên nhân khiến cho giá cước taxi ở Việt Nam đang ở mức cao hơn hầu hết các nước trong khu vực là do công nghệ quản lý lạc hậu. Một hành khách có nhu cầu đi xe nhưng có tới cả chục xe đến đón, tức là có tới 9 xe chạy "rỗng" trên đường. Thế nhưng, hành khách lại phải "gánh" cả phần chi phí chạy "rỗng" ấy. Do đó, việc Uber, Grap phát triển cũng như các hãng taxi truyền thống chấp nhận đầu tư phần mềm gọi xe cần được khuyến khích. Thông qua các phần mềm này, mỗi khách chỉ có một xe gần nhất đến đón tức là chi phí hoạt động của DN sẽ giảm, lại giúp Nhà nước và DN quản lý tốt hơn. Trong khi đó, hạ tầng đô thị sẽ không phải chịu cảnh xe chạy lòng vòng đón khách gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm đổi mới sẽ mất thị phần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.