(HNMCT) - Trong những ngày cả thế giới cùng chiến đấu với “kẻ thù giấu mặt” Covid-19, văn học nghệ thuật, bằng tiếng nói có sức lan tỏa mạnh mẽ của mình, cũng đã cất tiếng, trong đó có tập thơ “Tiếng quê” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.
Mở đầu cho “Tiếng quê”, Nguyễn Hồng Vinh đi từ những ký ức xưa cũ: “Ngày mẹ sinh con trên ổ rơm trải đất/ Tuổi thiếu niên ngủ đất cả đêm hè/ Sáng đi học, chiều về bừa đất/ Tối kéo gầu sòng, đổ nước ải phồng tay”. Chính ổ rơm trải đất của mẹ, bóng hình lam lũ của cha, chính bóng mát cây vườn, giàn hoa thắm quê hương sau này đã theo con ra trận “thành sức mạnh tinh thần vượt mọi gian nan”. Ngày nay, đất nước hòa bình, nhưng những người con “nơi biên cương”, “trên chốt chặn” lại: “Đang gồng mình tất bật/ Lo giúp Dân chống dịch/ Cả bản làng chờ trông”.
Không khí của những ngày đã và đang chống dịch như “ùa” vào trang thơ Nguyễn Hồng Vinh. Hơn 70 thi phẩm trong tập thơ đa phần ra đời vào thời điểm đại dịch Covid-19 nên “đượm” không khí thời cuộc, của số phận con người trong đời sống hiện tại: “Bạn bè chia vui trong lễ thành hôn/ Cô dâu lệ rơi tặng hoa thầy thuốc/ Bản Tăng-go giữa ngày chống dịch/ Lại âm vang cùng nhịp sống tuôn trào”.
Nguyễn Hồng Vinh là một nhà thơ, nhưng ông cũng là một nhà báo. Đứng trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội, thơ ông không làm ngơ. Trở đi trở lại nhiều lần trong vần thơ của ông là đề tài dịch, như các bài thơ “Lời mẹ”, “Tiếng quê”, “Tháng Hai đáng nhớ”, “Thắm tình người Việt Nam”, “Cấp độ”, “Hồi sinh đang tới”, “Hoa hạnh phúc”, “Khoảng trống”, “Sang mùa”, “Thư gửi người lính biên cương”... Đó là khi nhà thơ đầy lo lắng: “Tháng Hai, số ngày ít nhất trong năm/ Sao tờ lịch cứ rơi chậm rãi?/ Sao dịch dã lại lan cấp số nhân?!” hay lúc mừng rỡ: “Buổi giao ban mồng 1 Tết khác mọi hôm/ gương mặt ai cũng ánh lên rạng rỡ/ Ba bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch/ Và số người âm tính đã tăng”. Đó là lúc thi sĩ thật cảm động, tự hào: “Hiếm nơi nào như thế/ Không phân biệt quốc gia/ Dù trai, gái, trẻ, già/ Cứu người là tối thượng / (...) Bạn nói khắc trong tim/ Nước Việt Nam tình nghĩa/ Đang làm hết sức mình/ Cứu bao người thoát nạn”, hay khi ở vai trò người mẹ mà động viên: “Hãy gắng lên, hỡi con!/ Ngày thắng dịch tới gần/ Con trở về với mẹ/ Đám cưới vẫn còn xuân”.
“Tiếng quê” của Nguyễn Hồng Vinh không chỉ là ký ức, là kỷ niệm, là không khí của những ngày chống dịch, mà còn là tiếng lòng, suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, về thế thái nhân tình. Trong “Lời cỏ”, ông viết: “Tôi đớn đau những sớm còn sương/ Người thản nhiên dẫn theo đàn chó/ Thả chúng vẫy vùng vờn nhau trên cỏ/ Những mầm non nhàu nát, ngả nghiêng!”. “Ngẫm từ hàng phong lá đỏ”, ông tiếc: “Tan rồi giấc mơ “phong lá đỏ”/ Dệt thêm sắc màu đường phố Thủ đô/ Tiếc thay, điều ta ước đã chẳng thành hiện thực/ Hàng loạt cây phong xơ xác, héo khô!”.
Trước những hiện tượng thiên tai đến từ nhân họa, ông đau lòng: “Xa xót miền Trung/ Mưa chồng lên mưa/ Bão chồng lên bão/ Núi sạt vùi người/ Sóng cuốn ngư dân/ Thôn xóm bị cắt chia/ Sinh mệnh con người treo sợi tóc!”, hay đầy trăn trở: “Tôi vừa qua Tây Nguyên mùa mưa/ Lòng quặn thắt nhìn rừng lim bị phá/ Bọn lâm tặc hoành hành không biết sợ/ Gốc cây cưa, như nhỏ máu đến giờ/ Những dòng sông đi vào nhạc, vào thơ/ Nay bờ sạt từng đoạn dài lở lói/ Nạn cát tặc cứ triền miên sớm tối/ Sông ngửa mặt kêu Trời có hay?!”. Và cũng thật nhiều những câu thơ ánh lên niềm lạc quan yêu đời yêu sống bừng nắng trong tim: “Bình minh lên, mở trang báo sớm nay/ Thơm mùi mực, sáng bài thơ nồng ấm/ Tim rộn rã, gửi dòng tin nhắn:/ “Bài thơ anh nói hộ vạn nỗi niềm”/ Hạnh phúc bắt nguồn từ nuôi dưỡng Yêu - Tin!”.
Nuôi dưỡng yêu tin là cách mà Nguyễn Hồng Vinh sống trong đời và sống trong thơ. Với ông, “Văn chương sẽ trở nên vô nghĩa/ Nếu không bám rễ cuộc đời này”, như ông đã viết trong thi phẩm “Hồn thơ men rượu nồng say”.
Từ năm 2010 đến nay, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã cho ra mắt gần 10 tập thơ: “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời”, “Nhịp điệu thời gian”, “Miền thương nhớ”, “Màu ký ức”, “Lãng quên thầm thì”, “Thơ và dấu ấn cuộc đời”, “Xanh mãi”, “Thơ Nguyễn Hồng Vinh tuyển chọn” và mới đây nhất là “Tiếng quê”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.