(HNM) - Khánh thành và đi vào sử dụng đầu năm 2007, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, cầu Thanh Trì đã nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đơn vị quản lý đã nhiều lần duy tu, sửa chữa, nhưng những vết sụt, lún, "sống trâu" vẫn xuất hiện ngày một nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Cầu Thanh Trì đang bị xuống cấp. |
Với chiều dài cầu chính vượt sông hơn 3km, rộng 33m, cầu Thanh Trì được xem là cầu bê tông cốt thép lớn nhất Việt Nam. Việc xây dựng cầu Thanh Trì nhằm giải tỏa sức ép giao thông vốn đè nặng lên cầu Chương Dương, đồng thời phân bổ, giảm bớt lưu lượng ô tô, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, cầu Thanh Trì đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ mặt cầu Thanh Trì, kéo dài từ đường dẫn tiếp giáp đường Pháp Vân đến điểm cuối tại Sài Đồng (Long Biên) đã bị lún sụt, trong đó đoạn vượt qua sông Hồng bị xuống cấp nặng nhất. Những vết lún sụt xuất hiện dày đặc hai bên thành cầu, trong khi làn đường dành cho ô tô bị tụt hẳn xuống, tạo nên hai rãnh cao gần 10cm, rộng hơn 1m chạy song song trải dài nhiều cây số. Anh Nguyễn Văn Nhâm, một lái xe taxi thường xuyên qua cầu Thanh Trì cho biết: "Cầu Thanh Trì đi vào hoạt động được khoảng 2 năm, mặt cầu đã bắt đầu xuống cấp. Một vài lần có thấy các đơn vị quản lý cầu tiến hành duy tu, sửa chữa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Lâu ngày, mặt cầu hình thành những vệt "sống trâu" gồ ghề, gây nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông. Ban ngày còn đỡ, những hôm trời mưa to hoặc trời tối, chỉ cần người tham gia giao thông thiếu quan sát, bánh xe đi chệch vào những vệt "sống trâu" là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào...". Cũng theo người dân, sự xuống cấp của mặt cầu Thanh Trì là hậu quả của các loại xe siêu trường, siêu trọng chạy qua cầu với tần suất dày đặc cả ngày lẫn đêm. Bất chấp việc lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên cầu với tốc độ cao, một quán nước nhỏ vẫn được người dân bày bán ngay trên mặt cầu để phục vụ "thượng đế". Người bán hàng vô tư rót nước, người uống nước thản nhiên dựng xe ngay trên mặt cầu để hút thuốc, uống chè... như không hề biết mình đang vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Không những thế, do đường dẫn lên cầu Thanh Trì được bố trí bất hợp lý, làn xe đi từ điểm đầu cầu phía đường Pháp Vân khi xuống điểm cuối cầu Thanh Trì phía Sài Đồng thường xung đột với luồng phương tiện đông đúc trên quốc lộ 5. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông luôn phải ứng trực tại đây, song tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra bất cứ lúc nào, khiến dòng xe cộ thường xuyên phải nối đuôi nhau xếp hàng trên mặt cầu Thanh Trì.
Để bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đã đến lúc đơn vị quản lý cần nghiêm túc kiểm tra, có biện pháp duy tu, sửa chữa mặt cầu Thanh Trì, đồng thời lập lại trật tự an toàn giao thông tại đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.