Những hình ảnh ghi nhận giữa tháng 4-2025 cho thấy, cầu Phước An (có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á, trụ cầu cao nhất Việt Nam) đang dần thành hình sau gần 2 năm thi công, hướng đến mục tiêu hoàn thành trước hạn 6 tháng.
Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và của cả Đông Nam Bộ, nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dự án được khởi công vào tháng 6-2023 với tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và còn lại là ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,3km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1km. Nhịp chính của cầu với khoảng cách giữa hai trụ chính lên đến 250m, lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Cầu có khoảng thông thuyền cao đến 55m, cho phép tàu có trọng tải lên đến 30.000 tấn lưu thông mà không gặp trở ngại. Cầu Phước An đang cùng với cầu Bình khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những cây cầu có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam.
Cầu được thiết kế theo kết cấu dây văng, sử dụng cáp thép để chịu lực, tạo sự vững chắc và đảm bảo khả năng chịu tải trọng lớn, đồng thời mang lại tính thẩm mỹ cao.
Hiện tại, trên công trường dự án cầu Phước An, nhà thầu đang huy động khoảng 350 kỹ sư, công nhân cùng nhiều cẩu siêu trọng lực lên đến 350 tấn, 250 tấn, các loại cẩu tháp để đảm bảo tiến độ.
Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư dự án cầu Phước An) cho biết, các nhà thầu đang triển khai nhiều mũi thi công để hoàn thành hai trụ nhịp chính. Tính đến giữa tháng 4-2025, dự án đã hoàn thành hơn 60% khối lượng xây lắp, dự kiến hoàn thành trước hạn 6 tháng.
Cầu Phước An có điểm đầu kết nối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm cuối kết nối với tuyến đường vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ).
Đồng thời, cầu Phước An còn giúp giảm tải cho quốc lộ 51 đã quá tải nhiều năm; kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 4, là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam, với khu vực miền Đông Nam bộ. Cầu tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực nhanh và thuận lợi hơn.
Cùng với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An sẽ hình thành hai trục giao thông kết nối Đông - Tây của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những “mắt xích” quan trọng nối liền huyết mạch kinh tế, từng bước tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, thông suốt, nâng cao khả năng kết nối vùng, góp phần hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 20-3-2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định chuyển mục đích sử dụng 2,57ha rừng trồng phòng hộ tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch để sẵn sàng thực hiện dự án đường dẫn cầu Phước An, kết nối tỉnh Đồng Nai và thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.