Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu nối giữa lao động với nhà tuyển dụng

Hà Thanh| 28/02/2013 07:53

(HNM) - Theo dự báo, năm 2013 vẫn là năm khó khăn đối với người lao động (NLĐ) trong tìm kiếm việc làm. Song với sự hoàn thiện của hệ thống sàn giao dịch quốc gia và cơ sở dữ liệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm sẽ thực sự là cầu nối vững chắc giữa NLĐ với nhà tuyển dụng.


Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do kinh tế suy thoái, NLĐ cả nước gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Năm 2012, cả nước có gần 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng sản xuất kinh doanh, dẫn đến số NLĐ bị mất việc làm, thiếu việc làm tăng nhanh. Thống kê tại 60 tỉnh, thành phố năm 2012 cho thấy có gần 41.000 NLĐ mất việc làm. Công tác xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, năm 2012, cả nước vẫn giải quyết được việc làm cho 1,52 triệu lao động (đạt 95% kế hoạch, trong đó lao động được giải quyết việc làm trong nước là 1,44 triệu).

Thành lập hệ thống sàn giao dịch việc làm quốc gia sẽ giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Ảnh: Minh Hải


Theo bà Nguyễn Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm Dự báo thị trường lao động quốc gia, kết quả trên đang phản ánh chính xác những diễn biến của thị trường lao động. Đó là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị vì NLĐ. Chỉ tính riêng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm đã cho vay xấp xỉ 4.300 tỷ đồng. Ngoài ra, 45 tỉnh, thành phố đã thành lập quỹ việc làm địa phương với số vốn là 1.457 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 360.000 lao động. Bên cạnh hỗ trợ NLĐ tiếp cận nguồn vốn, tạo việc làm tại chỗ, 29 Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) thuộc ngành LĐ-TB&XH, TTGTVL của Liên minh Hợp tác xã và 10 Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn thanh niên cũng đang ở giai đoạn hoàn thiện. Đây là những địa chỉ đang dần trở nên quen thuộc đối với NLĐ cần tìm việc làm cũng như doanh nghiệp cần tuyển lao động. Hiện một số TTGTVL đang hoạt động có hiệu quả như Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Long An... Hằng năm, các trung tâm đã tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho hơn 1 triệu lượt người. Tính trung bình, một phiên giao dịch thu hút 30-40 doanh nghiệp và 600-800 lao động tham gia, trong đó có khoảng 300-400 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn thông qua sàn giao dịch việc làm. Nhiều địa phương đã tổ chức các sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, từng bước đưa thông tin đến với NLĐ và người sử dụng lao động như Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...

Nói về các sàn giao dịch việc làm năm 2013, bà Nguyễn Hải Vân cho biết: "Trung tâm Dự báo thị trường lao động đang hoàn thiện việc điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố hoàn tất điều tra và nộp phiếu về Cục Việc làm; trong đó 35/63 tỉnh, thành phố đã làm sạch thông tin và nhập tin xong. Đây thực sự là cơ sở giúp các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các cơ sở giáo dục có định hướng đào tạo phù hợp yêu cầu thị trường lao động. Hiện các tỉnh, thành phố đã có thể khai thác nguồn dữ liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.

Với những cơ sở dữ liệu hiện có và khi các sàn giao dịch việc làm đi vào hoạt động hằng ngày tại 30-40 TTGTVL trên cả nước vào năm 2015, hoàn toàn có thể tin tưởng tỷ lệ khoảng 30% lao động tìm việc làm qua hệ thống TTGTVL là điều có thể thực hiện được. Điều đó cũng có nghĩa là NLĐ và nhà tuyển dụng sẽ được gắn kết một cách chặt chẽ qua các TTGTVL trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu nối giữa lao động với nhà tuyển dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.