Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có hàng nghìn làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, đến nay, không phải làng nghề nào cũng còn tồn tại và phát triển.
Một trong những nguyên nhân chính là sản phẩm làng nghề thiếu sự thích ứng với cuộc sống đương đại, với nhu cầu của xã hội hay khách du lịch. Với mong muốn đưa những giá trị làng nghề đến cộng đồng thông qua nghiên cứu, hỗ trợ phát triển sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt đã cho ra đời Phường Bách Nghệ.
Một khởi đầu mới để “đánh thức” làng nghề
Trong những ngày cuối tuần của tháng 6-2024, Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành không gian tổ chức chuyên đề “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề”.
Khắc mộc bản là một nghề truyền thống lâu đời, đất phát tích là làng Hồng Lục (nay là làng Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Thời xưa, khi chưa có máy in, để in sách, in tranh, người thợ thủ công phải tạo ra một bản khắc trên gỗ (mộc bản), khắc ngược chữ, tranh. Sau đó, người thợ phết mực lên bản khắc gỗ rồi in ra. Thám hoa Lương Như Hộc (1420 - 1501) chính là ông tổ của nghề khắc mộc bản do có công truyền dạy cho dân ba làng Hồng Lục (tức Thanh Liễu), Liễu Tràng, Khuê Liễu. Thời đó, người dân các làng nghề này gần như làm chủ nghề in của cả miền Bắc. Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả nên mới có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/ Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn” (Sinh, Sếu, Tràng là tên Nôm của ba làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu).
Khi kỹ thuật in của phương Tây du nhập vào nước ta, nghề khắc mộc bản dần mai một. Sau này, người ta chỉ còn biết là trong làng có vài người làm nghề khắc dấu. Điều đó khiến công chúng hết sức xa lạ với nghề khắc mộc bản. Thậm chí, trong tâm thức của nhiều người, khắc mộc bản đã không còn tồn tại.
Chương trình “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” bao gồm 5 buổi giao lưu, giới thiệu, thực hành... nghề khắc mộc bản, mà qua đó, công chúng hiểu được kỹ thuật độc đáo của nghề in và khắc mộc bản. Trong đó, buổi đầu tiên là giới thiệu về lịch sử, văn hóa làng Thanh Liễu; giới thiệu, trình diễn kỹ thuật khắc và in mộc bản. Các buổi tiếp theo, công chúng yêu di sản được tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật, mỹ thuật của khắc mộc bản và đặc biệt là có hẳn một chuyên đề “Ứng dụng của mộc bản xưa và nay”. Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng của cả những nghệ nhân cũng như nhiều người yêu di sản.
Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt chia sẻ: “Nhiều người có hiểu lầm về đất tổ nghề khắc mộc bản Hồng Lục (tức Thanh Liễu) do trước đây nghề bị mai một, cũng như nhiều người còn không biết đến nghề này. Qua chương trình này, chúng tôi rất vui vì đã đem giá trị di sản xưa đến cộng đồng. Chúng tôi cũng được gặp gỡ, tương tác với nhiều chuyên gia, nhiều đối tác, từ đó, bên cạnh bảo tồn những giá trị truyền thống, chúng tôi nghĩ đến việc tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống trên nền tảng văn hóa truyền thống”.
Chương trình “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” là hoạt động “mở hàng” của Phường Bách Nghệ. Song, thành công của chương trình hứa hẹn một tương lai mới của Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt. Bởi lẽ, người sáng lập Phường Bách Nghệ là Ngô Quý Đức - người có đến gần 20 năm nghiên cứu, tìm hiểu giá trị của các làng nghề khắp từ Bắc đến Nam, với dự án “Về làng” nổi tiếng. Dự kiến, sau chương trình về làng nghề khắc mộc bản Thanh Liễu, Phường Bách Nghệ sẽ tổ chức các buổi workshop về sơn mài và nhiều sự kiện tiếp theo.
Hướng đến nâng tầm tinh hoa
Cách đây nhiều năm, khi còn ở độ tuổi đôi mươi, Ngô Quý Đức đã lập ra dự án My Hanoi nổi tiếng một thời để bảo tồn văn hóa Hà Nội. Hà Nội có đặc sản phố nghề. Ngô Quý Đức nhận ra rằng, phố nghề nào cũng từ làng mà ra. Tìm về gốc của phố là làng, song con đường của Ngô Quý Đức lại bắt đầu bằng những thất vọng. Làng nghề Việt là nơi lưu giữ nhiều nét tinh hoa, tuy vậy, nhiều sản phẩm làm ra lại không bán được. Độ hoàn thiện của sản phẩm không cao. Những sản phẩm lưu niệm thường có tính ứng dụng thấp, lại chưa đủ “tinh” để trưng bày. Những làng nghề “sống khỏe, làm giàu” như Bát Tràng, Vạn Phúc, Sơn Đồng (Hà Nội) hay Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... chỉ là số ít. Nghệ nhân phần nhiều ráo mồ hôi là hết tiền. Kết quả là họ chủ yếu làm ra những sản phẩm bán được trước mắt để bảo đảm sinh kế, thay vì làm những sản phẩm tinh hoa, khẳng định đẳng cấp văn hóa Việt.
Ngô Quý Đức tự thấy mình cần hỗ trợ các nghệ nhân nên đã lập ra dự án “Về làng”. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Vì thế, Đức hướng tới một mô hình có sự tham gia của nhiều bên hơn, tạo ra những sản phẩm thủ công có tính sáng tạo cao. Và mô hình Phường Bách Nghệ đã ra đời. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề; nơi diễn ra các hoạt động tương tác, trải nghiệm giữa nghệ nhân với công chúng; nơi tổ chức các sự kiện văn hóa...
Tuy nhiên, Phường Bách Nghệ hoàn toàn không giống như những không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm khác. Những hoạt động trên làm nền để hướng tới một mục đích sâu xa hơn. Bởi thế, điều đặc biệt nhất của mô hình này so với trước đây là có sự tham gia của nhiều bên, trong đó có những nhà đầu tư. Ngô Quý Đức chia sẻ: “Đây là dự án được tạo ra bởi sự liên kết của nhiều bên như các nhà đầu tư tài chính, nghệ sĩ, nhà thiết kế, chuyên gia các lĩnh vực, nghệ nhân làng nghề... Bản thân các nhà đầu tư khi lựa chọn xây dựng chương trình thì đã có định hướng nhất định. Sau đó, trong quá trình triển khai, các bên sẽ tương tác và hướng đến sự kết nối, hợp tác. Mục đích cuối cùng của sự hợp tác ấy là tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa - những sản phẩm tinh hoa cho làng nghề Việt. Những tinh hoa này góp phần tăng cường vị thế quốc tế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là nơi truyền cảm hứng về nét đẹp văn hóa Việt tới cộng đồng, để mọi người cùng viết những chương mới cho làng nghề truyền thống”.
Với cách tiếp cận đầy mới mẻ này, Phường Bách Nghệ vừa là một trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm làng nghề Việt, vừa là một không gian sáng tạo liên quan đến sản phẩm thủ công truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt cho biết: Ngay ở chương trình đầu tiên “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề”, sau khi tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, tương tác, nhiều người đã tìm đến các nghệ nhân làng nghề Thanh Liễu để đặt hàng.
“Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” là một chương trình có tính điển hình trong các hoạt động của Phường Bách Nghệ. Những nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương án phối hợp. Sự kết hợp giữa các nhà thiết kế, nhà đầu tư sẽ giúp khắc phục điểm yếu cố hữu của các nghệ nhân trong khâu thiết kế sản phẩm và tiếp cận thị trường. Dù mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng cách tiếp cận này sẽ mở ra một hướng đi mới cho các làng nghề trong phát triển công nghiệp văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.