Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện về hát Xẩm Hà thành xưa và nay

Theo Hồng Ngọc| 11/02/2014 14:45

Ngày 10/2, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về “Câu chuyện về hát xẩm Hà thành xưa và nay”.

ày 10/2, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về “Câu chuyện về hát xẩm Hà thành xưa và nay”.


Nhưng buổi sinh hoạt chuyên đề được Hội Nhà văn tổ chức hàng tháng có tác dụng thiết thực giúp các hội viên có dịp gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau chia sẻ, bàn luận chuyện văn chương, nghệ thuật. Từ những cuộc sinh hoạt chuyên đề đó, cùng với các cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyến đi thực tế, hiểu biết cuộc sống và cảm hứng sáng tạo của hội viên được nhân lên. Trong buổi sinh hoạt về “Câu chuyện về hát Xẩm Hà thành xưa và nay” lần này, các nhà văn đã đưa ra những cái nhìn riêng về hát Xẩm.

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo phổ biến khắp đồng bằng Bắc Bộ xưa và đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của nhân dân lao động. Tuy có lúc thăng trầm như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, nhưng xẩm vẫn sống cho đến hôm nay. Riêng ở Hà Nội thời trước, hát Xẩm phát triển khá mạnh và đã hình thành một dòng “Xẩm tàu điện”. Những người hát Xẩm thường xin lên các chuyến tàu điện để hát kiếm tiền, dần dà dân gian quen với hình ảnh này nên gọi là “Xẩm tàu điện”.

Một số bài Xẩm được giới thiệu tại buổi sinh hoạt chuyên đề


“Xẩm tàu điện” là loại hình nghệ thuật riêng có của Hà Nội, ra đời và phát triển gắn liền với hoạt động của tàu điện trong giai đoạn từ 1900-1992. Khác với các loại hình xẩm truyền thống (xẩm chợ, xẩm cô đầu), các nam nghệ nhân hát xẩm tàu điện thường mặc quần áo nâu, trời rét khoác thêm áo veston, đội mũ cát, đeo kính đen; nữ luôn mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), bên trong mặc áo yếm sáng màu, váy lửng đầu gối. Các điệu xẩm tàu điện thường ngắn gọn, tiết tấu nhanh và rộn ràng, được phổ từ thơ của những thi sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính, Tản Đà… Cũng từ đó nghệ thuật hát xẩm đã tôn vinh không ít nhà thơ nổi tiếng, tựa như cầu nối giúp những tác phẩm của họ được trở nên gần gũi hơn, bay bổng hơn. Nhiều bài được các nghệ nhân tự sáng tạo theo cảm xúc của mình. Vì môi trường “tác nghiệp” mang tính cơ động nên yếu tố nhạc khí của xẩm tàu điện được tối giản, chỉ có nhị hồ và song loan do một vài người vừa hát vừa kéo nhị.

Suốt gần một thế kỷ, xẩm tàu điện trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thủ đô, gắn liền với âm thanh leng keng của tàu điện. Khi tàu điện không còn, như một quy luật, hát xẩm cũng vắng bóng trong đời sống đô thị./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện về hát Xẩm Hà thành xưa và nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.