Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện về cánh tay người lính trở về sau 47 năm “chu du” ở Mỹ

Thiên Thư| 04/07/2013 08:46

Gần 5 thập kỷ trôi qua, kể từ ngày cánh tay phải bị chiến tranh “cướp” mất, ông Hùng vẫn nghĩ nó đang nằm đâu đó dưới lòng đất mẹ.

Cánh tay người lính

Đã 2 ngày trôi qua, nhưng mỗi khi nhìn một phần cơ thể của mình đang hiện hữu ngay trên nóc tủ, ông Nguyễn Quang Hùng (74 tuổi, trú phường Ngô Mây, thị xã An Khê, Gia Lai) vẫn không thể tin nổi đây là câu chuyện có thật. Gần chạm gót bên kia cuộc đời, nhưng có lẽ chưa bao giờ quá khứ lại trỗi dậy trong ông mãnh liệt như những ngày này. Chính cánh tay ấy đã đưa ông về với quá khứ của một thời đạn bom…

Năm 1964, chàng thanh niên Nguyễn Quang Hùng (quê xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) lên đường nhập ngũ. Ông đóng quân tại trung đoàn 18, sư đoàn 325. Đến năm 1965, ông được điều vào mặt trận Tây Nguyên, tại đây ông làm nhiệm vụ vận tải chuyển thương binh từ chiến trường vào hậu tuyến.

Khoảng tháng 8/1966, ông Hùng được cử làm Tiểu đội trưởng của một tốp chiến sĩ đi trinh sát tại Phù Cát (Bình Định). Trong lúc làm nhiệm vụ, tiểu đội của ông Hùng đã rơi vào trận phục kích của lính Mỹ. Hàng chục viên đạn tuôn xối xả vào ông và đồng đội. “May mắn lúc đó có một cây sung lớn, chúng tôi đã ôm lấy cây sung để tránh đạn. Nhưng không may, tôi đã bị trúng đạn ở cánh tay phải”, ông Hùng nhớ lại.

Sau đó, ông Hùng cử người đồng đội tên Sĩ chạy hướng lên núi để làm phân tán mũi đạn của kẻ thù, còn ông và đồng đội tên Lý thì men theo bụi rậm ven suối để thoát khỏi tầm truy kích. Ông và đồng đội vào được một ngôi làng nhưng chỉ còn vườn không nhà trống vì giặc mới càn quét qua. Những ngày sau đó, ông và đồng đội sống bằng cháo loãng và rau rừng, trong khi vết thương của ông Hùng ngày càng nguy kịch.

Một thời gian sau, ông Hùng và đồng đội lạc nhau vì những luồng đạn của kẻ thù. Địch thấy ông không còn khả năng chống cự đã cột chân ông vào cáng và đưa lên trực thăng chở về Cát Sơn, huyện Phù Cát.

Ông Hùng được chuyển tới căn cứ chính ở Hòn Một, Phù Cát. Lúc này, cánh tay của ông đã sưng đỏ, bốc mùi hôi, không còn cử động được. Sáng ngày hôm sau (ngày 27/10/1966), ông được bác sĩ Sam Axelrad - người phía bên kia chiến tuyến - tiêm thuốc mê và bắt đầu cắt bỏ cánh tay để cứu mạng sống.

Cánh tay hoại tử của ông Hùng trước lúc bị cắt


Khi tỉnh lại, ông Hùng mới biết cánh tay phải của mình đã không còn. Dù mất một phần của cơ thể, nhưng may mắn ông được bác sĩ Sam chăm sóc rất tốt nên sức khỏe của ông cũng sớm bình phục.

Khoảng 2 tháng sau, bác sĩ Sam nhận được lệnh phải đưa ông Hùng đi khỏi căn cứ. Biết tin, trong đầu ông Hùng đinh ninh rằng mình sẽ bị đày ra Côn Đảo, nhưng may mắn, ông được bác sĩ Sam chuyển đến một trạm y tế của quân Mỹ ở An Túc (nay là An Khê, Gia Lai) để phục vụ phát thuốc cho bệnh nhân. Cũng từ đó, ông không còn được gặp lại bác sĩ Sam cũng như tin tức về người bác sĩ nhân hậu này.

Ông bị xích chân ở cáng và bị canh gác cẩn thận dưới cái nắng nóng


Mất đi cánh tay, mọi sinh hoạt của ông Hùng gặp rất nhiều khó khăn. “Mọi thứ tôi đều làm bằng tay phải, nên khi mất đi cánh tay này tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi như đứa trẻ phải học cầm nắm lại từ đầu, để viết lại chữ tôi phải mất đến 2 năm mới làm được”, ông Hùng kể.

Trong thời gian này, ông Hùng vừa tập làm việc bằng tay trái, vừa tìm cách móc nối với cách mạng nhưng bất thành.

“Nếu là tôi, tôi cũng không giữ làm gì”

Bác sĩ Sam, sau 1 năm bị điều động sang Việt Nam, đến ngày 11/8/1967 đã quay trở lại Mỹ. Và thứ ông mang theo bên mình, ngoài vật dụng ngành y còn có thêm cánh tay của một người lính Việt Nam.

Hơn 40 năm trôi qua, chiếc xương cánh tay của ông Hùng được bác sĩ Sam cất giữ cẩn thận trong một chiếc hòm đựng kỷ vật thời quân đội. Bỗng một ngày vào năm 2010, ông đã mở nắp hòm ra xem lại những kỷ vật, trong đó có xương cánh tay của người phía bên kia chiến tuyến mà ông đặt tên là Charlie. Như có gì đó xui khiến, ông lấy xương cánh tay ra, đặt lên tủ của phòng khách, rồi kể cho các con nghe về nguồn gốc của “kỷ vật” kỳ lạ này.

Nghe xong câu chuyện, 2 người con và bạn bè ông Sam đều khuyên ông trả chiếc xương về với “khổ chủ”. Ông Sam quyết định tìm lại "Charlie" để trả cánh tay. Năm 2012, ông Sam cùng con, cháu đến Việt Nam. Ông đã đi từ TP.HCM lên Gia Lai, Bình Định, ra Huế và sau đó là miền Bắc nhưng đều không biết manh mối gì về "Charlie". May mắn, tại miền Bắc, ông đã gặp một cộng tác viên của báo Thanh Niên, ông kể lại câu chuyện đặc biệt của mình cho người này.

Ông Hùng đoàn tụ với một phần cơ thể sau 47 năm "thất lạc"


Vào tháng 11/2012, câu chuyện của ông Sam được đăng tải. Một bạn đọc trong TPHCM sau khi đọc xong báo đã nhận ra nhân vật trong bài báo chính là ông Hùng mà mình đã quen, đang sống ở thị xã An Khê, Gia Lai.

Sau khi biết người lính năm xưa còn sống, ông Sam vui mừng và chuẩn bị mọi thủ tục để sang Việt Nam. Ý nguyện của ông khá thuận lợi khi ông sớm tìm được “khổ chủ” của cánh tay mà không gặp bất kì rào cản nào, may mắn hơn khi cánh tay này lại là một trong những vật được hãng hàng không cho phép vận chuyển qua đường bay. Và ông bắt đầu chuẩn bị cho việc trao trả cánh tay.

Quay trở lại với ông Hùng, vào năm 1969, ông được thả tự do. Ông được 1 người y tá trong trạm xá cho về nhà ở và hứa gả con gái cho. Năm 1975, ông may mắn lấy được người con gái đẹp nhất của người đã cưu mang mình và sống bằng nghề bán thuốc. 10 năm sau, ông công tác tại chính quyền địa phương xã, rồi sau đó về nhà tiếp tục hành nghề bán thuốc.

Vợ chồng ông sinh được 7 người con, trong đó có 4 người học đại học và 1 người học cao đẳng. Đến đầu năm 2013, vợ ông qua đời ở tuổi 60 vì bị ung thư phổi. Người bạn đời bỏ ông ra đi, con cái đứa thì đi làm xa, đứa thì lập gia đình nơi khác, mọi việc trong gia đình đều một tay ông lo liệu. Sức khỏe già yếu, lại còn một tay khiến mọi công việc của ông đều chậm và mệt nhọc. Tuy vậy, sau 47 năm sống với 1 cánh tay, ông Hùng đã không còn nhớ gì về cánh tay đã bị cắt của mình. Ông nghĩ “khi chết chắc chắn mình sẽ gặp lại được nó”.

Bất ngờ, cách đây chừng 10 ngày, ông Hùng nhận được thông tin về người bác sĩ Mỹ muốn trả lại xương cánh tay cho một người lính Việt Nam. Ông Hùng quá bất ngờ và hồi hộp chờ đến ngày hội ngộ người đã cứu mình năm xưa.

Và như dự định, ngày 1/7/2013, ông Sam đã cùng 2 người con và đứa cháu nội của mình từ Mỹ đến tận nhà ông Hùng trả lại xương cánh tay cho ông.

Gặp lại đối phương và cũng là ân nhân, cùng với một phần cơ thể đã mất từ lâu của mình, ông Hùng lâng lâng hạnh phúc. Ông không ngờ rằng, đến cuối đời ông lại gặp được người bác sĩ đã cứu mình năm nào, càng không ngờ khi được “đoàn tụ” lại với cánh tay đã bị cắt bỏ từ lâu. Ông nghẹn ngào ôm người bạn Mỹ hơn mình 1 tuổi, rồi hỏi rằng: “Lúc tôi lành rồi, sao ông không để tôi bị đày ra Côn Đảo, mà lại cho tôi lên An Khê?”. Thắc mắc này được ông Sam trả lời: “Không biết sao, khi cưa cánh tay của ông ra rồi, nhìn thấy ông tôi thương quá. Tôi cũng không biết vì sao tôi lại giữ cánh tay của ông, tôi cũng không biết tôi giữ để làm gì”.

Là người bên kia chiến tuyến với mình, nhưng ông Sam không chỉ cứu chữa bệnh cho ông Hùng, giúp ông có cuộc sống của người tù binh tốt hơn, mà còn cất công lưu giữ cánh tay bị cắt của ông Hùng gần 50 năm qua, để rồi diễn ra cuộc hội ngộ có một không hai như hôm nay. Cảm động trước tấm lòng nhân hậu của bác sĩ Sam, ông Hùng chia sẻ: “Chẳng bao giờ tôi nghĩ có người sẽ giữ cánh tay cho mình. Nếu là tôi, tôi cũng chẳng giữ làm gì. Lòng nhân đạo của ông Sam cao quá. Tôi chỉ biết chúc ông ấy và gia đình mãi mãi hạnh phúc. Tôi sẽ để cánh tay này trên tủ ngay giữa nhà để mọi người thấy đó là câu chuyện có thật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện về cánh tay người lính trở về sau 47 năm “chu du” ở Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.