(HNM) - Mỗi sáng đi làm, chị Linh ở phố Tư Đình, Long Biên, Hà Nội thường thấy lác đác những vỏ hộp sữa nằm giữa mặt đường. Thấy cảnh tượng mất mỹ quan ấy, chị Linh đưa câu chuyện ra chia sẻ với ông Hoàng ở quán nước trên đường Cổ Linh để tìm nguyên nhân.
- Ông Hoàng ạ, sáng nào trên mặt đường Cổ Linh, Lâm Du cũng có những vỏ hộp sữa vứt bừa bãi là ở đâu ra hả ông?
Ông Hoàng khẳng định:
- Mấy vỏ hộp chắc chắn của các cháu học sinh vừa đi học vừa uống rồi vứt ngay xuống đường thôi. Việc này trước hết là do thiếu giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của mỗi bậc làm cha, làm mẹ; các cháu học sinh thì không vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo...
- Không đâu ông ạ, con nhà cháu mới có 6 tuổi mà còn nhắc nhở cả bố mẹ khi vứt rác sai quy định. Bây giờ ở trường mầm non, các cháu đã được giáo dục bảo vệ môi trường rất tốt ông ạ.
- Có thể ở trường mầm non làm tốt mà trường phổ thông, gia đình, xã hội và cả những người xung quanh các cháu không thường xuyên nhắc nhở và người lớn thiếu gương mẫu thì cũng chẳng nghĩa lý gì!
Câu chuyện của chị Linh và ông Hoàng rôm rả hơn khi có thêm vài vị khách đến quán. Người thì cho rằng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng của người Việt ta chưa tốt; người khác lại cho rằng nhiều bậc phụ huynh không hợp tác cùng nhà trường! Sáng ra đón con đi học, đưa sữa cho con uống, nhưng không hề nghĩ cái vỏ hộp sẽ vứt chỗ nào, đứa trẻ uống hết rồi quẳng xuống mặt đường…
Ông Hoàng trầm tư hơn: Bậc làm cha, làm mẹ chúng ta cần nghiêm túc thay đổi, sửa chữa! Văn hóa nơi công cộng của ta kém quá, đứa trẻ sau này tiến bộ, hội nhập được hay không, phần lớn do các anh, các chị có con nhỏ chúng ta ngồi ở đây, chứ ra nước ngoài mà như vậy thì vừa mất tiền phạt, vừa xấu hổ lắm…!
Mong có thật nhiều như câu chuyện của chị Linh, ông Hoàng như thế, hy vọng ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng của ta sẽ thay đổi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.