Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện của những đứa trẻ bị đánh cắp

Mai Chi| 06/07/2016 15:09

(HNMO) - Pedro Sandoval đã không còn kỷ niệm các ngày lễ gia đình và cả sinh nhật mình sau khi phát hiện ra một sự thật kinh hoàng: Những người mà Sandoval vẫn gọi là cha mẹ và nuôi dạy anh khôn lớn đã đánh cắp anh. Trong khi đó, cha mẹ ruột của anh bị bắt cóc, tra tấn dã man và biến mất không để lại chút dấu vết trong thời kỳ của chế độ độc tài quân sự Argentina giai đoạn 1976 – 1983.

Pedro Sandoval cầm trên tay một bức hình của tổ chức nhân quyền Grandmothers of Plaza de Mayo, trong đó có cả bà nội và bà ngoại của anh.

Nói về cha mẹ đẻ chưa từng biết mặt, Sandoval cho biết: “Tôi thực sự rất ghen tị với bạn bè bởi họ có thể ôm cha mẹ mình hay tranh cãi với họ. Nhưng tôi cũng rất biết ơn bởi ít nhất tôi còn được gặp ông bà”.

Bốn thập kỷ sau khi ủy ban quân sự cầm quyền ban bố kế hoạch dài hạn nhằm đánh cắp trẻ em được sinh ra từ những người tù chính trị, Argentina vẫn đang tập trung tìm kiếm và xác định nhân thân của khoảng 500 trẻ sơ sinh từng bị tước đoạt khỏi vòng tay cha mẹ. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng trăm trường hợp khác chưa được biết tới.

Vào mùa xuân này, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã đi kèm với cam kết của Washington về việc tìm kiếm và công bố các tài liệu tình báo của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh bẩn thỉu tại Argentina - liên quan tới việc Mỹ từng ủng hộ chế độ độc tài quân sự ở Nam Mỹ. Vào thời điểm đó, khoảng 30.000 người đã bị sát hại hoặc biến mất. Quá trình công bố những tài liệu này có thể kéo dài trong nhiều năm, nhưng ít nhất nó cũng đem lại hi vọng cho những gia đình có con cháu và người thân bị thất lạc.

Tài liệu về những đứa trẻ bị đánh cắp trong thời kỳ chiến tranh bẩn thỉu.

Đối với những "đứa trẻ" đã được tìm thấy, việc biết được quá khứ và chấp nhận nó là cả một quá trình đầy nước mắt.

Sandoval, tên được bố mẹ nuôi đặt là Alejandro Rei, chưa từng cảm thấy nghi ngờ bất kỳ điều gì khi được nuôi dưỡng trưởng thành tại một căn hộ hạng trung ở vùng ngoại ô Buenos Aires. Năm 2004, Victor Rei – một cựu cán bộ biên phòng và cũng là người mà Sandoval gọi là cha – trở thành đối tượng bị điều tra. Kể từ đó, cuộc đời Sandoval cũng đảo lộn hoàn toàn.

Sandoval nhớ lại, khi đó anh cảm thấy có một thứ cảm xúc hỗn loạn trào lên, vừa giận dữ, vừa dằn vặt. Tuổi thơ mà anh vốn tưởng là những ký ức kỳ diệu hóa ra chỉ là ảo ảnh. Và cũng như nhiều trường hợp khác, Sandoval từng cố gắng bảo vệ bố nuôi bằng cách cố tình làm hỏng mẫu xét nghiệm ADN trong quá trình điều tra.

“Đối với tôi, nó như một phần của cơ chế phòng vệ” – Sandoval thú nhận.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy Sandoval là con đẻ của Pedro Sandoval và Liliana Fontana. Cặp vợ chồng này đã bị lực lượng an ninh bắt cóc vào năm 1977 khi Liliana đang mang bầu tháng thứ hai. Sandoval bị đem đi chỉ 4 tháng sau khi được sinh ra trong tù. Cũng kể từ đó, không một ai biết thêm tin tức gì về Pedro Sandoval và Liliana Fontana.

Dù chỉ được nghe kể lại nhưng Sandoval vẫn không giấu được sự xúc động: “Niềm an ủi duy nhất đối với tôi lúc này chính là quãng thời gian 4 tháng ngắn ngủi được ở trong vòng tay mẹ”. Hiện anh không còn liên lạc với bố mẹ nuôi và đã trở nên thân thiết hơn với những người họ hàng của bố mẹ đẻ. Vợ chồng anh cũng chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng.

Tới thời điểm hiện tại, 119 trường hợp trẻ em từng bị đánh cắp đã được làm sáng tỏ. Một bác sĩ tâm lý điều trị cho các nạn nhân đã nói: “Mỗi trường hợp đều rất xúc động bởi nỗi đau mà chúng mang lại không hề giống nhau. Tổn thương và sự dằn vặt vẫn còn đó và sẽ chẳng bao giờ kết thúc”.

Guillermo Perez Roisinblit, 38 tuổi, từng mang cái tên Guillermo Gomez cho tới khi nhận được liên lạc của chị gái và Grandmothers of the Playa de Mayo – một tổ chức nhân quyền được thành lập vào năm 1977 để tìm kiếm các nạn nhân. Họ cho Perez xem một bức ảnh gia đình và anh đã vô cùng sốc khi nhìn thấy một người đàn ông rất giống mình. Các xét nghiệm cho cho thấy đây chính là bố đẻ của Perez.

Rosa de Roisinblit, 96 tuổi, Phó Chủ tịch tổ chức Grandmothers of the Playa de Mayo, cho biết: “Tôi mất 21 năm để tìm thấy cháu ngoại của mình và phải mất thêm 15 năm nữa để giành được tình cảm của nó”.

Perez cùng bà ngoại nay đã 96 tuổi tại Buenos Aires.

Hiện tại, hai bà cháu Rosa và Perez đều là nguyên đơn của một vụ kiện bắt đầu vào tháng 5/2016 nhằm vào những kẻ đứng đầu lực lượng không quân Argentina bởi hành động bắt cóc trẻ em và đứng sau sự mất tích của các nhà hoạt động xã hội Patricia Roisinblit và Jose Manuel Perez Rojo. Patricia đã sinh hạ cậu con trai Perez tại một trường quân y – nơi hàng ngàn người bất đồng quan điểm với chính quyền độc tài bị giam cầm và tra tấn dã man trong suốt cuộc chiến tranh bẩn thỉu.

Rosa de Roisinblit chờ đợi phiên tòa bắt đầu.

Rosa chăm chú nhìn cháu trai trong một phiên tòa tại Buenos Aires.

Francisco Gomez – người đã nuôi dưỡng Perez – bị kết tội đánh cắp trẻ sơ sinh và hiện đang ngồi tù cùng với một cựu sĩ quan của lực lượng không quân – kẻ bị kết tội bắt cóc cha mẹ của Perez. Perez cho biết mình từng tới thăm Gomez vào năm 2003, nhưng hắn đã tỏ ra vô cùng giận dữ và đổ tội cho Perez vì những gì mà mình đang phải trải qua.

Perez nhớ lại: “Khi tôi chuẩn bị rời đi, Gomez nói hắn sẽ bắn chết tôi và những người thân của tôi”.

Bị cáo Francisco Gomez trò chuyện cùng luật sư biện hộ.

Trong suốt thời kỳ của chế độ độc tài, tổ chức Grandmothers biểu tình hàng tuần tại quảng trường chính của Buenos Aires và yêu cầu trả lại những người thân yêu của họ. Từ khi Argentina chuyển sang chế độ dân chủ, họ cũng tiến hành nhiều hoạt động vận động hành lang để chính phủ thành lập cơ sở dữ liệu lưu trữ ADN và nhiều nguồn pháp lý phục vụ cho việc tìm kiếm.

Perez bày tỏ: “Họ chính là những người anh hùng chân chính. Họ mạo hiểm mạng sống của mình để chiến đấu chống lại một chế độ độc tài tàn bạo. Đây cũng chính là cách mà tôi nhìn thấy bà ngoại mình – một người anh hùng thực sự”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện của những đứa trẻ bị đánh cắp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.