Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bài hát Nga “Thời thanh niên sôi nổi” trở nên thân thuộc, gắn bó với đông đảo giới trẻ, nhất là lớp thanh niên miền Bắc.
Dường như trong sổ tay mang theo ra mặt trận của hầu hết cánh lính trẻ đều chép tay bài hát này như một cẩm nang sống: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/ Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ/ Để ngàn đời bền vững tổ quốc ta/ Trời cao muôn ngàn năm chói lòa…”.
Với nhịp điệu hành khúc khỏe khoắn, ca khúc góp phần động viên, nâng bước tuổi trẻ vượt mọi gian khó, cống hiến cuộc đời cho quê hương, Tổ quốc: “Còn chân, còn nhịp bước, còn tiến lên/ Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn/ Ngực còn đập theo tiếng nhịp sống chung/ Bền gan ta cùng đi tới cùng”...
“Thời thanh niên sôi nổi” (nhạc: Aleksandra Nikolayevna Pakhmutova; Lời thơ: Lev Oshanin) ra đời năm 1958, vốn là ca khúc viết cho bộ phim “Vùng địch hậu” của đạo diễn Phyodor Philippov kể về chiến công của các đoàn viên Komsomol thời kỳ nội chiến ở vùng Viễn Đông của Nga. Bộ phim không mấy thành công, nhưng bài hát “Thời thanh niên sôi nổi” trong phim nhanh chóng trở thành ca khúc yêu thích của lớp trẻ Xô viết và có sức sống xuyên thế kỷ. Ở nước ta, bản dịch lời Việt ca khúc này của nhạc sĩ Phạm Tuyên được quảng bá rộng rãi khi ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova sinh năm 1929 tại thành phố Beketovka (nay là Volgograd) thuộc Liên Xô (cũ), tốt nghiệp Nhạc viện Mátxcơva và chương trình sau đại học về âm nhạc. Bà viết giao hưởng, nhạc phim và gần bốn trăm bài hát, chủ đề rất đa dạng, giai điệu tha thiết, du dương, trữ tình nhưng không kém phần mạnh mẽ, hùng tráng. Bà nổi tiếng với các bài hát như “Thời thanh niên sôi nổi”, “Hy vọng”, “Tạm biệt Moskva” - ca khúc bế mạc Olympic 1980 tại Mátxcơva. Bà từng là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi âm nhạc quốc tế “Hoa cẩm chướng đỏ”; giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ) và Hội Nhạc sĩ Nga, nhiều năm là đại biểu Xô viết tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga... Nhạc sĩ Pakhmutova đã được Chính phủ Liên Xô trước đây trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa; 2 Huân chương Lenin; 2 Giải thưởng Nhà nước Liên bang Xô viết; Nghệ sĩ Ưu tú Liên bang Xô viết; Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Xô viết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.