Văn nghệ

Câu chuyện âm nhạc: “Hoa cau vườn trầu”

Thanh An 24/02/2024 17:40

Năm 1990, trong chuyến công tác tại Thái Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Tiến tình cờ ghé vào nhà một bà lão và nghe bà than thở về chuyện tình của người con gái trong nhà.

ns-nguyen-tien.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến.

Chuyện là cô gái ấy trót thương thầm anh bộ đội kế bên nhà. Hai nhà cách nhau một hàng cau. Hai người yêu nhau nhiều năm nhưng mãi vẫn chưa thể se duyên kết tóc. Bà cụ giục con gái lấy chồng, nhưng vì thương anh bộ đội quá đỗi nên cô không chịu gật đầu, cứ mãi chờ đợi…

Mở đầu ca khúc là những dòng tâm tình về sự mong mỏi, thương nhớ ấy: “Nhà anh có một vườn cau/ Nhà em có một vườn trầu/ Chiều chiều, nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này, rụng trắng sân nhà em”. Hình ảnh cau và trầu ẩn dụ cho anh bộ đội và cô gái. Còn khoảng sân như tâm hồn cô gái nên “Hoa cau rụng trắng sân nhà em” như nỗi nhớ người thương đang ngập tràn tâm tư người con gái.

Cũng chính vì hiểu được niềm thương, nỗi nhớ của cô gái mà tác giả viết: “Anh lên đường, mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh/ Một lá trầu xanh thắm tình em chẳng phai màu”. Màu áo lính xanh như màu lá trầu. Và lá trầu chính là hình ảnh của cô gái luôn dõi theo anh trên bước đường hành quân.

Hai câu cuối cùng của ca khúc đầy cảm xúc, đó là tiếng lòng của người con gái vò võ đợi trông với trái tim chung thủy: “Lá vẫn xanh tươi màu/ Xin ai đừng để lá trầu vàng”. Hai câu thôi nhưng đầy ám gợi, tạo nên dư ba trong lòng người nghe.

Trước khi đến với công chúng, ca khúc này được sửa đi sửa lại nhiều lần. Với chất liệu dân ca Bắc Bộ và những hình ảnh gần gũi, ca khúc “Hoa cau vườn trầu” đã trở thành một làn gió mới trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Tác phẩm này đã mang về cho nhạc sĩ Nguyễn Tiến Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2012.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (1953 - 2021) tên thật là Nguyễn Văn Tiến. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Nam Định. Ông tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội và công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), sau này là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Ngoài biểu diễn đàn bầu, ông còn là tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Phú nước non”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Chiều xứ Lạng”, “Nhớ đêm giã bạn”, “Hồn Việt”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện âm nhạc: “Hoa cau vườn trầu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.