(HNMO) - Khu vực tự trị Catalonia đã yêu cầu chính phủ trung ương Tây Ban Nha cấp thêm một gói giải cứu trị giá 9 tỷ euro.
Chính quyền khu vực Catalonia cho biết, họ cần tiền để trả bớt nợ và đáp ứng các mục tiêu giảm thâm hụt.
Động thái này được đưa ra chỉ một tháng sau khi nhà lãnh đạo mới của Catalonia cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập.
Catalonia là một vùng giàu có và chiếm khoảng 1/5 GDP của Tây Ban Nha, nhưng đang phải đối mặt với khoản nợ tới hạn là 13,6 tỷ euro chỉ trong năm nay.
Chính phủ khu vực cho biết, họ sẽ chi 7,7 tỷ euro để trả bớt nợ và phần còn lại sẽ được dùng vào việc đáp ứng các mục tiêu giảm thâm hụt của chính phủ Tây Ban Nha.
Năm ngoái, Tây Ban Nha thiết lập một quỹ thanh khoản khu vực để cung cấp tiền cho các khu vực không thể đi vay trên thị trường quốc tế do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính.
Năm nay, nước này có 23 tỷ euro để dành cho các khu vực đang phải vật lộn với nợ nần, được lấy từ nguồn kho bạc, các ngân hàng Tây Ban Nha và xổ số quốc gia.
|
Tây Ban Nha nằm trong số các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính.
Nước này đã buộc phải vay mượn rất nhiều do hậu quả của sự sụp đổ thị trường bất động sản, sự suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng ở mức cao nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Các nhà lãnh đạo dân tộc của Catalonia đã đổ lỗi cho chính phủ Tây Ban Nha về các vấn đề tài chính của khu vực và cuộc khủng hoảng kinh tế đã góp phần củng cố tình cảm dân tộc.
Người đứng đầu vùng Catalonia, ông Artur Mas, đã thành lập một liên minh ủng hộ độc lập sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2012 và trong tháng 12, ông đã đồng ý với các đối tác liên minh tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập vào năm 2014.
Chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy đã phản đối kịch liệt sự ly khai của Catalonia và lập luận rằng, một cuộc trưng cầu như vậy sẽ là không hợp hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.