(HNM) - "Các doanh nghiệp trong nước, các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới cần phải tuân thủ pháp luật, đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng. Đó là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào".
Đây là thông điệp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại buổi làm việc với các doanh nghiệp vào chiều 25-6 nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, ngành chức năng sẽ ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu, độc...
Cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các quảng cáo trong video xấu, độc. |
100 nhãn hàng bị gắn quảng cáo trong clip xấu, độc
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua rà soát, trên YouTube có khoảng 55.000 video, clip có nội dung xấu, độc. Tính đến ngày 25-6, Cục đã phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip xấu, độc. Trước đó, trong các ngày 10 và 17-6, Cục đã gửi công văn tới các nhãn hàng yêu cầu dừng quảng cáo sản phẩm trong các video, clip xấu độc và có báo cáo giải trình Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, Cục đưa ra các giải pháp để ngăn chặn vi phạm về quảng cáo trên YouTube, Google.
Tại buổi làm việc, đại diện truyền thông của Yamaha Motor Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông về ngăn chặn các vi phạm pháp luật trên mạng. Ngay khi Cục gửi văn bản, Yamaha Motor Việt Nam đã yêu cầu đối tác quảng cáo là MicroAds dừng ngay quảng cáo về hãng trong các clip xấu độc; đồng thời rà soát lại các hoạt động quảng cáo của mình trên YouTube để không xảy ra tình trạng này và chỉ hợp tác quảng cáo trở lại khi MicroAds đã lọc các thông tin độc hại.
Tình trạng các video, clip vi phạm pháp luật được đăng tải trên nền tảng Google vẫn còn nhiều và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân bắt nguồn từ bộ lọc, cơ chế kiểm soát thông tin của nhà cung cấp nền tảng này tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, Google để người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm và áp dụng cơ chế kiểm duyệt theo hình thức hậu kiểm với quy trình thẩm định, gỡ bỏ mất nhiều thời gian.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Tập đoàn VNG đề cập: "Google khuyến khích người làm nội dung đưa clip lên YouTube bằng cách trả tiền, qua đó họ thu được nhiều tiền từ thị trường Việt Nam. Họ cũng hoàn toàn kiểm soát toàn bộ nền tảng của họ và chúng ta không thể can thiệp được. Doanh nghiệp, nhà quảng cáo không dễ ngăn chặn và hiện cho thấy Google không từ bỏ nguồn lợi này để tuân thủ pháp luật nước sở tại".
Kiên quyết với các vi phạm
Một số giải pháp, công cụ để ngăn chặn clip xấu độc, vi phạm pháp luật đã được đại diện các doanh nghiệp (đối tác quảng cáo của Google tại Việt Nam, các đại lý quảng cáo số lớn tại thị trường trong nước) đề ra. Một số công ty quảng cáo lớn như Clever Ads, WPP nhấn mạnh, sẽ xây dựng giải pháp khắc phục tình trạng này, sẵn sàng hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc yêu cầu Google và YouTube ngăn chặn video, clip xấu độc xuất hiện trong quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp số 1 về nội dung số, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ngành có liên quan cần kiểm soát được dòng tiền từ kinh doanh, nhãn hàng trong nước trả tiền Google, Facebook trả tiền cho người làm nội dung (người đăng tải clip). Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật, mở công ty hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là việc rất bình thường.
Làm rõ hơn về giải pháp, theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), Bộ Thông tin và Truyền thông nên tổ chức chương trình truyền thông để người dùng, đặc biệt là doanh nghiệp hình thành thói quen trả tiền cho nội dung sạch. Chẳng hạn, trả tiền quảng cáo theo giá trị, chất lượng view (xem, đọc) và trả cao cho quảng cáo tại những trang, địa chỉ quảng cáo uy tín. Đó là cách để bảo đảm an toàn thương hiệu.
Để triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng công nghệ này, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) để xây dựng các biện pháp giúp cho hoạt động quảng cáo đúng tôn chỉ mục đích. Thông qua đó, thu lại nguồn thuế để tái đầu tư cho xã hội.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho biết, việc Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên nền tảng số là một sự cố gắng lớn, góp phần chống thất thu thuế cho đất nước. Cơ quan thuế cũng sẽ có những sửa đổi các văn bản dưới luật để bảo đảm việc thu thuế minh bạch, công bằng. Ông Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng cũng nhấn mạnh giải pháp cần kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới mở văn phòng đại diện tại Việt Nam; đồng thời triển khai một loạt giải pháp về kinh tế, công nghệ để các nhà cung cấp này tuân thủ quy định pháp luật.
Kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng ngành Thông tin và Truyền thông quét "rác" trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, các nền tảng xuyên biên giới đến Việt Nam làm ăn, thu tiền và trở nên giàu có, thì cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. "Các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu độc. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp..." - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, các nền tảng nội dung số trong nước như Zalo (của VNG), Mocha (Viettel), VCCorp phải lớn mạnh để phục vụ xã hội và người dân tốt hơn, thay vì kêu ca về "bảo hộ ngược". Các công ty công nghệ trong nước phải đầu tư, tự làm các công cụ giám sát không gian mạng. Bộ trưởng giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý, tuyên truyền giáo dục, thực hiện hằng ngày để có môi trường mạng lành mạnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.