Kinh tế

Cấp thiết định hướng phát triển ngành lạnh

Thu Hằng 19/09/2023 - 06:54

Ngành lạnh và điều hòa không khí đang đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành này chưa có cơ quan quản lý trực tiếp dù có tốc độ tăng trưởng nhanh so với các lĩnh vực khác. Do đó, việc định hướng phát triển ngành lạnh và điều hòa không khí đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

nguyen-viet-dung.jpg
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) trình bày tại một hội thảo về ngành lạnh và điều hòa không khí.

Nhu cầu về sản phẩm làm lạnh tăng

Theo ước tính, đến nay, kỹ thuật lạnh được ứng dụng rộng rãi vào hơn 60 lĩnh vực, như: Điều hòa không khí, thông gió; làm lạnh, cấp và trữ đông trong các nhà máy thủy hải sản; quá trình làm lạnh và gia nhiệt trong nhà máy sản xuất dược phẩm, sữa, bia và nước giải khát; hóa lỏng không khí thu ôxy cấp cho các lò luyện gang, lò luyện thép và hàn cắt kim loại; hóa lỏng không khí thu nitơ làm phân đạm; bảo quản thuốc, máu, sinh phẩm y tế... Đại dịch Covid-19 vừa qua càng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của ngành lạnh (chuỗi lạnh) trong việc chế biến, lưu trữ, vận chuyển, bảo quản và phân phối thực phẩm, dược phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội), ngành lạnh và điều hòa không khí ngày càng tác động vào đời sống con người, nhất là trong hoạt động chuyển đổi số. “Muốn chuyển đổi số phải có hạ tầng công nghệ như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…; băng thông rộng và trung tâm dữ liệu để lưu trữ. Khi con chíp càng nhỏ, tốc độ xử lý càng lớn, năng lượng tỏa ra càng nhiều. Các trạm trung chuyển và trung tâm dữ liệu cũng vậy, cần phải có môi trường sạch, nhiệt độ mát đạt tiêu chuẩn (phòng sạch) để bảo đảm các thiết bị, máy móc hoạt động tốt.

Rõ ràng, khi thế giới và Việt Nam hướng đến nền kinh tế số, sản xuất thông minh, nhà máy công nghệ cao... thì tầm quan trọng của ngành lạnh và điều hòa không khí càng thấy rõ. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, năm 2016, toàn thế giới dùng hết 16% tổng sản lượng điện thương phẩm cho lĩnh vực điều hòa không khí và làm lạnh. Dự đoán đến năm 2030, con số này có thể lên tới 30%. Nền kinh tế càng phát triển, càng hiện đại thì càng dùng nhiều thiết bị điều hòa không khí và làm lạnh”, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng khẳng định.

Đi cùng với sự phát triển, mặt trái của ngành lạnh và điều hòa không khí cũng gây ra những vấn đề lớn mà xã hội hết sức quan tâm. Đó là hệ thống điều hòa chiếm tới 40-60% lượng điện tiêu thụ trong các tòa nhà; môi chất lạnh phá hủy tầng ozon, làm trái đất nóng lên và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Cơ hội khai thác tiềm năng lớn

Ngành lạnh và điều hòa không khí ở Việt Nam là một thị trường tiềm năng với sức phát triển “nóng”. Mỗi năm, thị trường tiêu thụ hơn 2 triệu máy điều hòa và trên dưới 1 triệu tủ lạnh. Xu hướng phát triển các tòa nhà thông minh càng liên quan chặt chẽ đến ngành lạnh và điều hòa không khí.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam Nguyễn Xuân Tiên, mặc dù có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội nhưng ngành lạnh và điều hòa không khí ở nước ta chưa có cơ quan quản lý trực tiếp. Hiện nay, mỗi bộ chỉ quản lý lĩnh vực chuyên ngành riêng biệt.

Bộ NN&PTNT quản lý về chế biến và bảo quản thủy sản. Bộ Công Thương quản lý về tiết kiệm năng lượng và dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Bộ Xây dựng quản lý về các ngôi nhà xanh và chất lượng không khí trong các tòa nhà. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về lĩnh vực bảo vệ tầng ozon và chống phát thải khí nhà kính; cấp phép xuất nhập khẩu các môi chất lạnh được phép sử dụng. Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng...

Do vậy, rất khó để tìm tiếng nói chung cho định hướng phát triển và có những chính sách phù hợp trong xu thế nền kinh tế số, nhà máy thông minh, công nghệ cao, song song với bảo đảm yếu tố giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng ozon...

Được biết, vào tháng 10 tới, tại triển lãm quốc tế về công nghệ nhiệt lạnh, phòng sạch và nhà máy công nghệ cao - CLEANFACT & RESAT EXPO 2023, lần đầu tiên sẽ có một hội thảo về chính sách của Nhà nước liên quan đến sự phát triển của ngành lạnh và điều hòa không khí. “Từ trước đến nay, ở nước ta chưa có một hội nghị toàn quốc nào bàn về sự phát triển của ngành lạnh, điều hòa không khí, cũng như chưa có cuộc gặp trao đổi nào giữa tất cả các bộ, ngành với doanh nghiệp. Hội thảo này có thể coi như là hội nghị đầu tiên của ngành lạnh và điều hòa không khí ở Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này tiếp cận với các công nghệ mới, gắn liền với chính sách phát triển xanh, sạch, trong đó ưu tiên lớn nhất là tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời tiết kiệm cho người dùng và thực hiện lộ trình nghiêm ngặt thay thế môi chất lạnh phù hợp với các chính sách về biến đổi khí hậu” - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam Tạ Quang Ngọc chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết định hướng phát triển ngành lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.