Khoảng 150 hộ dân sinh sống lâu năm trên đất cha ông để lại ở khu vực ven sông Hồng thuộc tổ dân phố Yên Thịnh và tổ dân phố Hồng Hậu, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) nhưng đến nay vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) vì nhiều lý do.
Trong đó có việc cơ quan chức năng không kịp thời thực hiện các quy định liên quan đến đất đai. Người dân đề nghị cơ quan chức năng trả lời câu hỏi đất của các hộ có được cấp "sổ đỏ" hay không và vướng ở đâu, gỡ dứt điểm ở đó...
Từ việc di dân theo tình huống cấp bách...
Vùng ngoài đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) hiện có 2 khu dân cư Yên Thịnh và Hồng Hậu. Trước đây, 2 khu vực này thường xuyên bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Với đặc thù đó, từ những năm 1980 đến nay, khu vực Yên Thịnh đã nhiều lần tổ chức di dân từ vùng ngoài đê vào khu dân cư phía trong đê. Vì việc di dân theo tình huống cấp bách nên các cấp chính quyền không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về đất đai. Do đó, một bộ phận người dân đã chuyển vào khu tái định cư sinh sống, nhưng nhiều hộ vẫn giữ lại nhà, đất khu vực ngoài đê sinh sống, canh tác sản xuất vì cấp thẩm quyền không có quyết định thu hồi đất.
“Khu vực ngoài đê đo vẽ bản đồ từ năm 2003 và từ đó đến nay, người dân đã nhiều lần làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhưng đều không được vì cơ quan chức năng nói không đủ điều kiện. Gần đây, nhiều hộ bị áp hạn mức đất ở nên chán nản, không muốn làm hồ sơ cấp "sổ đỏ". Cùng một rẻo đất ven sông Hồng, người dân ở phường Viên Sơn và xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã được cấp "sổ đỏ", nhưng người dân phường Phú Thịnh lại chưa được cấp... Đất khu vực ngoài đê có đặc thù riêng, người dân mong mỏi được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện hồ sơ cấp "sổ đỏ"”, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Thịnh Hà Văn Dũng nêu nguyện vọng.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Đặng Thành Nam thông tin, khu vực ngoài đê sông Hồng có các hộ tổ nhân dân số 6, 7 thuộc tổ dân phố Yên Thịnh và tổ nhân dân số 10, 11 thuộc tổ dân phố Hồng Hậu sinh sống. Vùng bãi ven sông Hồng nằm trong khu vực thực hiện di dân; thuộc hành lang bảo vệ đê, kè, hành lang thoát lũ sông Hồng... Theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2003, tổ dân phố Hồng Hậu có 69 thửa và tổ dân phố Yên Thịnh có 81 thửa chưa được cấp "sổ đỏ".
Trong khi đó, năm 2014 và 2019, UBND thị xã Sơn Tây ban hành các quyết định tạm giao đất ở cho nhiều hộ tại khu tái định cư thuộc trường hợp phải di dân khẩn cấp nhưng chưa thu hồi đất tại nơi ở cũ. Theo quy định, sau khi có quyết định giao đất chính thức sẽ cấp "sổ đỏ" cho các hộ tại nơi tái định cư, nhưng đến nay các hộ chưa được giao quyết định cấp đất chính thức nên cũng chưa được cấp "sổ đỏ".
... đến khó khăn kéo dài
Theo Luật Đất đai 2013, việc di chuyển các hộ dân vùng sạt lở ven sông Hồng vào khu tái định cư phải thực hiện theo các điều: 65, 79, 87 Luật Đất đai 2013 và Điều 16, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ (quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Theo đó, các cấp phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., song thị xã Sơn Tây chưa thực hiện. Thậm chí, năm 2013, thị xã thực hiện dự án di dân đối với 54 hộ, nhưng đến nay dự án này cũng chưa xong.
Không những thế, khu vực ven sông Hồng thuộc tổ dân phố Hồng Hậu hiện chưa có kè nên việc xác định hành lang bảo vệ đê điều để bổ sung vào hồ sơ trích đo thửa đất gặp khó khăn. Ngày 21-7-2023, tại Công văn số 1241/TLPCTT-ĐĐ của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội gửi UBND phường Phú Thịnh có nội dung: “... trong khi Phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Quy hoạch sẽ được tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) chưa được phê duyệt nên đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ở (đất xây dựng công trình) là chưa có cơ sở”.
Cũng nhằm giải quyết các khó khăn, tồn tại, ngày 3-11-2014, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 8501/UBND-TNMT, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở liên quan xem xét, hướng dẫn UBND thị xã Sơn Tây thực hiện dự án di dân bồi thường, hỗ trợ các hộ nơi ở cũ bãi sông Hồng và nơi ở mới (khu tái định cư) trong đê sông Hồng, song việc này vẫn bị bỏ ngỏ đến nay...
Trước tồn tại kéo dài qua nhiều năm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hưng cho biết, Phòng đang xem xét theo hướng đề nghị UBND thị xã Sơn Tây giao một số đơn vị tham mưu UBND thị xã lập dự án di dân và tái định cư. Sau khi có đề án di dân và thành phố Hà Nội cho phép thu hồi đất của các hộ có nguy cơ sạt lở ven sông Hồng, Phòng mới có cơ sở tham mưu UBND thị xã Sơn Tây ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân...
Để bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân ở vùng ven sông Hồng thuộc phường Phú Thịnh, rất cần các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội hướng dẫn cụ thể để thị xã Sơn Tây gỡ dứt điểm các vướng mắc. Không nên để những khó khăn về thủ tục, những phần việc thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.