(HNM) - Việc cấp mã số vùng trồng - mã số định danh cho một vùng sản xuất có thể xem là “chiếc chìa khóa” mở "cánh cửa" cho nông sản vươn ra thị trường thế giới. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư cho việc xây dựng mã số vùng trồng với một số loại cây chủ lực như: Nhãn, bưởi, chuối... Đây là giải pháp căn cơ hướng tới xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản.
Mở "cánh cửa" xuất khẩu chính ngạch
Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho biết: Trước đây, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Các thị trường lớn như Mỹ hay Australia dù đã “mở cửa” nhưng không có mã số vùng trồng thì dù đạt các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng cũng không xuất khẩu được. Sau khi được ngành Nông nghiệp hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho cây nhãn chín muộn, sản phẩm của địa phương đã được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ, Australia... Khách hàng về đặt nhãn chín muộn của Hoài Đức ngày càng nhiều, giúp các hộ nông dân ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, các quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói... đang là yêu cầu của những thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Mỹ, Australia... Mã số vùng trồng chính là "chiếc chìa khóa" mở "cánh cửa" cho nông sản của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vươn ra thị trường thế giới.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nhãn chín muộn của các huyện Hoài Đức, Quốc Oai sang các thị trường Mỹ, Australia) Phùng Thị Thu Hương cho biết: Thời gian qua, dù các thị trường yêu cầu khác nhau về mã số vùng trồng nhưng tựu trung các vùng trồng được cấp mã số đều phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; ghi chép nhật ký canh tác để có thể truy xuất nguồn gốc… Doanh nghiệp và người nông dân phải kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, triển khai các biện pháp phòng trừ và không vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên việc này đang gặp không ít “rào cản”. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin: Đến nay, thành phố Hà Nội đã cấp 22 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, trong đó có 11 mã số cấp cho vùng trồng chuối, 8 mã số cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cho vùng trồng bưởi. Kết quả kiểm tra, rà soát hiện tại chỉ còn 11 mã số vùng trồng được duy trì như vùng trồng nhãn chín muộn tại các xã Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức), xã Đại Thành (huyện Quốc Oai); vùng trồng chuối xã Văn Khê (huyện Mê Linh); vùng trồng bưởi ở các xã Yên Sở, Cát Quế (huyện Hoài Đức) và xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)...
Phát huy giá trị mã số vùng trồng
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, các vùng sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, việc xuất khẩu trái cây thời điểm hiện tại rất hạn chế nên việc sử dụng mã số vùng trồng không được duy trì thường xuyên. Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng thị trường... nên một số vùng trồng không duy trì việc sử dụng mã số.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho biết: Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương trong việc duy trì mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu còn hạn chế. Mong muốn của đơn vị là các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động duy trì vùng nguyên liệu bằng cách kết nối chặt chẽ với các hợp tác xã đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản; đồng thời ngành Nông nghiệp cần tăng cường mối liên kết với các vùng trồng để kiểm soát hàng hóa, tránh việc mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số vùng trồng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin: Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Mặt khác, chú trọng công tác tập huấn về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư “đầu vào” tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Ngành Nông nghiệp sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó là tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, đơn vị xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa nông sản từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh gợi mở: Thành phố Hà Nội cần xây dựng, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.