Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sơn Tùng| 03/08/2018 14:24

(HNMO) - Ngày 3-8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) tới các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác hải sản.


Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cả nước có 62 doanh nghiệp chính thức ký cam kết chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp và thực hiện các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp để xuất khẩu các mặt hàng hải sản vào thị trường châu Âu.

Sau hơn 8 tháng kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng ngày 23-10-2017 với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục, Việt Nam đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng.

Tuy nhiên, do nguồn lực trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm các quy định quốc tế về chống khai thác IUU còn hạn chế; chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU và quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. 

Một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (tính từ 23-1-2017 đến nay, đã xảy ra 44 vụ với 75 tàu cá, 482 ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý); công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn hạn chế...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước rất coi trọng công tác khai thác thủy sản trên vùng lãnh hải Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ biển đảo.

Tuy nhiên, công tác khai thác hải sản vẫn còn nhiều bất cập như: Khai thác quá mức, khai thác theo phương pháp tận diệt, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài… đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu hải sản và kinh tế - xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng... của Việt Nam.

Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực triển khai cấp bách các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Từ nay đến 31-12-2018, thiết lập cơ chế điều hành kịp thời, thông suốt hiệu quả từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả chống khai thác IUU và quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Đi đôi với chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện đúng quy định, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp tới ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản.

Bộ NN&PTNT phối hợp tốt với các bộ, ngành nghiên cứu và lập dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II; tổ chức lại việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, cương quyết không để các tàu cá không đủ điều kiện ra khơi; rà soát các cảng cá để có kế hoạch đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thủy sản.

Mặt khác, cần nhân rộng các gương tốt; cá nhân, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc triển khai khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo về IUU và chủ tịch UBND, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để các vi phạm tại địa phương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.