Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách bảo vệ “lá phổi xanh”

Bắc Vũ| 24/05/2023 06:04

(HNM) - Nắng nóng đang gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ở nước ta, trong đó, nguy cơ hạn hán và cháy rừng đang ở mức rất cao. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22-5-2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thực tế từ đầu năm đến nay, cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng…, gây thiệt hại lớn về diện tích rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị cháy hơn 177ha, gấp 13 lần so cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 20 vụ cháy rừng (chủ yếu cháy thảm thực bì), tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ tiếp diễn, với số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường hơn. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi ở mức rất cao, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 441/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nêu trên, các ngành chức năng và địa phương có rừng cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thời tiết, nhất là các thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng để chủ động phương án “4 tại chỗ” trong phòng, chống cháy rừng bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống khi cháy rừng xảy ra. Trong đó, cần lưu ý kiểm tra, rà soát thường xuyên lực lượng, phương tiện, vật tư… phục vụ phòng, chống cháy rừng; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Cùng với đó, ngành Kiểm lâm thường xuyên rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo. Từ đó, bố trí lực lượng chức năng ứng trực và thường xuyên tuần tra canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời, triệt để mọi nguồn lửa có thể gây cháy rừng.

Ngành Kiểm lâm phối hợp với các địa phương có rừng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, ngành cần yêu cầu dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Nếu phát hiện cháy rừng, cần triển khai ngay các phương án, huy động các lực lượng khẩn trương tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lan, cháy gây thiệt hại lớn.

Với điều kiện nắng nóng, khô hạn như hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh” là rất cấp bách, cần sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động và kịp thời của các bộ, ngành chức năng, địa phương và các cộng đồng dân cư nơi có rừng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách bảo vệ “lá phổi xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.