Công viên Hồ Thủy Tiên ở Huế cũng góp mặt vào danh sách các địa điểm rợn người, gây hiếu kỳ trên thế giới. Có gì đằng sau những công trình đổ nát, hoang tàn đáng sợ đó?
L'Aquatic Paradis (Tây Ban Nha): Nằm ở vùng Catalonia của Tây Ban Nha, L'Aquatic Paradis khai trương vào đầu những năm 1990. Nhưng chỉ sau 2 năm, công viên nước này buộc phải đóng cửa vì món nợ lớn và một tai nạn bi thảm. Nhiều người đồn rằng một đứa trẻ đã bị kéo lôi dưới nước bởi động cơ của máy tạo sóng. Ảnh: Big Huge Labs.
Atlantis Marine Park (Australia): Mở cửa năm 1981, Atlantis Marine Park được ví như Gold Coast, khu vực nổi tiếng với những bãi biển quyến rũ của Australia, tại Two Rocks, tiểu bang Tây Australia. Do sự cố tài chính, công viên đóng cửa vào năm 1990. Tuy hoang phế, bức tượng vị thần đại dương khổng lồ tại công viên vẫn đứng sừng sững như một biểu tượng khó quên. Ảnh: Perth Daily Photo.
Lake Dolores Waterpark (Mỹ): Công viên nước ở hoang mạc Mojave, California này do một doanh nhân địa phương xây dựng đầu những năm 1960. Sau giai đoạn nổi tiếng, công viên đóng cửa cuối những năm 1980. Từng mở lại trong thời gian ngắn, một tai nạn khiến nhân viên bị liệt đã chấm dứt sự gượng dậy của địa điểm hoang phế này. Hiện đây là nơi lý tưởng cho các nhà làm phim. Ảnh: Eofp.
Wet n' Wild (Canada): Công viên nước Wet n' Wild từng là một phần của khu giải trí phức hợp Prudhommes Landing ở Ontario, Canada. Kể từ khi đóng cửa vào năm 2002, công viên này nhanh chóng bị bỏ hoang, trở thành không gian cho các nghệ sĩ vẽ sơn graffiti thỏa sức sáng tạo. Ảnh: Pinterest.
Hồ Thủy Tiên (Huế): Thuộc top những công viên nước bỏ hoang ghê rợn nổi tiếng trên thế giới, song Hồ Thủy Tiên lại là một địa điểm du lịch theo đúng nghĩa đen. Trên thực tế, nhiều khách Tây ba lô đến Việt Nam đã check-in "sống ảo" tại công viên kỳ bí này. Ảnh: Shanomag.
Hồ Thủy Tiên ở Huế từng được báo giá xây dựng với chi phí 3 triệu USD. Mở cửa vào năm 2004 trước khi việc xây dựng hoàn thành, khu du lịch này dần trở nên hoang phế trong lúc vẫn còn thi công dang dở với lý do khai thác kém hiệu quả và một số vi phạm khác của nhà đầu tư. Ảnh: Kathmandu & Beyond.
Safari Lagoon (Malaysia): Công viên nước này nằm trên tầng thượng một trung tâm mua sắm, từng thuộc top các công viên giải trí lớn nhất Đông Nam Á. Mở cửa năm 1998, sau gần 10 năm hoạt động không giấy phép, công viên bị cơ quan chức năng đóng cửa và trở nên hoang phế. Từng có một nhân viên được cho là bị giết sau khi kẹt trong khoang bơm nước áp suất cao ở đây. Ảnh: SAYS Malaysia.
Fun Park Fyn (Đan Mạch): Khai trương vào những năm 1980, công viên nước Fun Park Fyn phải đóng cửa sau cáo buộc phá sản năm 2006. Các máng trượt nhiều màu sắc nhanh chóng bị bỏ hoang. Người ta từng có kế hoạch biến Fun Park Fyn thành công viên chủ đề Hans Christian Andersen, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi, song không thành. Ảnh: Reddit.
Aquaria Park (Italia): Với các đường trượt nước, hồ bơi và bồn tạo sóng, Aquaria Park từng là điểm đến "bùng nổ" ở Ravenna, Italia trong những năm 90. Tại đây có nhiều tiện nghi mà các công viên nước khác không thể có như bãi biển chơi bóng chuyền, sân tennis, thậm chí là sàn nhảy disco vào buổi tối. Đáng tiếc, công viên đóng cửa vào năm 2004 và trở nên hoang tàn, đổ nát. Ảnh: Ravenna24ore.
Macassar Beach Pavilion (Nam Phi): Được xây dựng năm 1991 trên bờ biển False Bay của Nam Phi, Macassar Beach Pavilion nằm trong một khu bảo tồn rộng lớn bảo vệ các cồn cát và loài thực vật fynbos đặc hữu của khu vực. Trước khi bị bỏ rơi do sự cố tài chính, công viên từng là khu nghỉ mát nổi tiếng. Ảnh: Cape Town Daily Photo.
Ebenezer Floppen Slopper's Wonderful Water Slides (Mỹ): Công viên nước này được khai trương vào đầu những năm 1980. Khi đó, nơi đây là thiên đường với những đứa trẻ vùng Oakbrook Terrace ở ngoại ô Chicago, vì vốn dĩ chúng chỉ quen đùa nghịch dưới làn nước của những vòi phun tưới các bãi cỏ. Không rõ vì lý do gì, công viên đóng cửa năm 1989 và trở nên hoang phế như một bãi rác. Ảnh: Reddit.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.