Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện không ít người lao động ( NLĐ) bị “mắc bẫy” từ các công ty ma, doanh nghiệp trá hình.
Trên các phương tiện truyền thông gần đây cũng cho thấy các tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã lừa đảo hàng tỷ đồng của NLĐ vô tội. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, tìm đến các Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH nơi họ sinh sống.
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định của pháp luật, trước khi đi XKLĐ, NLĐ phải được đào tạo 74 tiết về nghiệp vụ, thông tin luật pháp, văn hóa… của nước sở tại và từ 1-3 tháng về ngoại ngữ. Nếu thi tuyển tại các doanh nghiệp XKLĐ thì phải xuất trình giấy phép hoạt động XKLĐ với đơn vị cung cấp lao động hoặc sở LĐTB&XH sở tại. Sau khi tuyển chọn, doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ. Thủ tục bắt buộc hoàn thiện là phải được làm hồ sơ cá nhân, sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương, giấy chứng nhận sức khỏe, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc, tiền lương… Dù đã được thông báo rất chi tiết về thủ tục đăng ký khi đi làm việc tại nước ngoài nhưng nhiều NLĐ vẫn cả tin vào những dụ dỗ ngon ngọt của “cò mồi”. Người bị nặng thì đóng tiền môi giới rồi chờ đợi cả tháng, cả năm vẫn không được đi nước ngoài, sau mới tả hỏa khi công ty môi giới “không cánh mà bay”. Người nhẹ thì được xuất cảnh sang nước ngoài nhưng không có công ty nào nhận vào làm, đành tìm đến đại sứ quán nước đó để chờ được hỗ trợ trở về nước.
Nhưng hình thức phổ biến nhất để “móc túi” NLĐ là việc thu phí “trên trời”. Theo quy định, NLĐ đi làm việc tại thị trường Đài Loan chỉ phải đóng phí trọn gói là 4000 USD/người nhưng thực tế có doanh nghiệp thu gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Hoặc nhiều công ty tuyển dụng dưới danh nghĩa tư vấn du học, đi du lịch, kết hôn giả … Khi NLĐ đã nộp các khoản phí, chờ ngày xuất cảnh thì công ty đó đóng cửa và không thể liên lạc được. Mới đây, tháng 4-2015, cơ quan CSĐT bắt giữ “siêu lừa” XKLĐ hơn 200 người trị giá trên 10 tỷ đồng. Đây là vụ án với số người bị hại và số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực XKLĐ. Đó là đối tượng Chu Đình Huy của đối tượng Chu Đình Huy, trú tại khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Huy đã mạo danh là nhân viên Công ty CP XKLĐ và dịch vụ vận tải thủy miền Nam, lợi dụng giấy phép hoạt động, phiếu thu tiền của công ty này (chi nhánh tại Hưng Yên) để lừa đảo.
Một cán bộ LĐ-TB&XH huyện Thanh Oai (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, trước đây một số công ty XKLĐ về địa phương tuyển dụng LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Công ty này tư vấn, giới thiệu chương trình rất tỉ mỉ, tạo lòng tin tuyệt đối cho NLĐ. Nhưng để đảm bảo cho người dân, cán bộ này đã tìm đến trụ sở công ty đóng tại quận Tây Hồ- Hà Nội để thẩm tra. Khi đến nơi, trụ sở công ty chỉ là một căn phòng chưa đầy 10m2, là một công ty TNHH, có một người trực văn phòng, vừa là “giám đốc”, vừa nhà nhân viên, kiêm dọn dẹp văn phòng.
Các thủ đoạn lừa đảo XKLĐ ngày càng tinh vi, vì vậy NLĐ trước khi đăng ký đi làm việc tại nước ngoài cần nghiên cứu quy trình tuyển chọn, tìm đúng công ty, trung tâm uy tín. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, để tránh bị mất tiền oan với các trung tâm lừa đảo, NLĐ cần chủ động liên hệ trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH các địa phương để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Riêng thị trường Hàn Quốc, NLĐ cần đến trực tiếp các Sở LĐ-TB&XH nơi có hộ khẩu thường trú và tham dự kiểm tra tiếng Hàn theo quy trình do Sở hướng dẫn. Sau khi đạt yêu cầu sẽ được thông báo để làm thủ tục đăng ký dự tuyển (mua hồ sơ, kê khai và nộp). Hồ sơ dự tuyển được chuyển về Trung tâm lao động ngoài nước kiểm tra, xử lý và gửi sang Hàn Quốc. NLĐ sẽ nộp khoản chi phí phái cử theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH tại Sở LĐ-TB&XH (số tiền Việt Nam tương đương với 630 USD, để chi trả tiền mua vé máy bay, lệ phí xin cấp visa, chi phí đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tuyển chọn và xử lý hồ sơ). Đồng thời, ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc với TTLĐNN và tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết. NLĐ cũng ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 100 triệu đồng theo hướng dẫn của TTLĐNN. Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, NLĐ sẽ được bố trí xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Thực tế, các trung tâm XKLĐ uy tín được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép đều được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông, tại trang web: http://dolab.gov.vn của và trang web: http://hotrolaodongngoainuoc.org. Tuy nhiên, vẫn nhiều NLĐ Hà Nội nói riêng và NLĐ cả nước nói chung vẫn bị lừa đảo khiến “tiền mất tật mang”. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo NLĐ cần báo cho cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.