(HNM) - Càng cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão, dịch vụ gói giỏ quà, bánh kẹo càng sôi động tại các cửa hàng, chợ truyền thống, đặc biệt rất náo nhiệt tại các “chợ mạng”. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thích những giỏ quà, hộp bánh kẹo đẹp với giá cả phải chăng, nhiều người bán hàng đã làm ra những mặt hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí hàng giả, nhái. Trước thực trạng này, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác; mặt khác cơ quan chức cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Thật giả lẫn lộn
Khảo sát thực tế tại nhiều cửa hàng, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, các giỏ quà Tết được trưng bày khá phong phú. Tuy nhiên, có nhiều tiểu thương lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng đã cố tình đưa vào giỏ quà Tết những mặt hàng kém chất lượng, không thương hiệu và nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng. Thậm chí đã tư vấn cho khách hàng mua những sản phẩm giá rẻ, nhái thương hiệu sản phẩm bằng lời quảng cáo là hàng nhập khẩu.
Bà Lê Thanh Nhàn (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, mới đây, bà mua một giỏ quà để biếu trong dịp Tết. Nhìn bề ngoài giỏ quà rất bắt mắt, nhưng nhìn kỹ bên trong lại phát hiện một gói nho xanh và mứt dừa không có chữ bên ngoài. Khi hỏi người bán hàng, bà nhận được câu trả lời lúng túng "đây là hàng handmade". Bà Nhàn thở phào nhẹ nhõm vì may chưa mua, chưa biếu quà cho người thân, không thì gặp "trái đắng".
Tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), khách hàng tha hồ lựa chọn bánh kẹo của các loại thương hiệu đến từ Việt Nam và nhập khẩu từ nhiều nước. Tuy nhiên, xen lẫn trong niềm tin "hàng nhập khẩu" đó, nhiều người tiêu dùng đã phát hiện có những hộp bánh giống hệt thương hiệu nổi tiếng Danisa nhưng lại lấy cái tên na ná là Damisa. Hoặc các loại bánh nhái thương hiệu Chocopie thành Chocoopie, Choocopie, Chocopai; hàng nhái của hãng Custas vẫn mang màu vàng chủ đạo, nhưng lại ghi là Custard. Loại bánh quy Oreo cũng bị làm giả với thiết kế giống đến 80-90% nhưng tên lại là Ozeo, Oroe, Borio…
Đáng nói, các gian hàng bánh kẹo ở phố Hàng Giày, Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - thủ phủ bánh kẹo cân được bày bán la liệt với tiêu chí “3 không": Không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác. Theo giới thiệu của người bán hàng trên phố Hàng Buồm, chúng tôi chọn mua kẹo dẻo có vị cam được giới thiệu là hàng nhập khẩu Hàn Quốc có giá 110.000 đồng/0,5kg. Còn kẹo bánh có chữ Việt Nam thì giá 30.000-50.000 đồng/kg. Khi chúng tôi đề cập đến việc đóng gói giỏ quà thì người bán hàng đon đả nhận lời, nói mẫu mã nào cũng có.
Ngăn chặn kịp thời nạn buôn bán hàng giả
Tình trạng lập lờ chất lượng cũng xảy ra tại các “chợ mạng”. Các website, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh về các giỏ quà Tết có giá trị từ trên 200.000 đồng đến vài triệu đồng. Với tâm lý ngại đi mua, nhiều người chọn đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên có thực tế là các loại rượu vang Chile, bánh kẹo nhập từ Malaysia, Thái Lan,… nhưng giá rao bán trên Shopee, Lazada chỉ hơn 300.000 đồng/giỏ kèm lời quảng cáo: "Hàng xách tay, nhập ngoại 100%, cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng".
Cảnh báo tới người dân về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, mỗi người khi mua hàng hóa, đặc biệt là đồ thực phẩm như bánh kẹo cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, vì hiện nay các đối tượng tội phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng lậu hoạt động rất mạnh. Người dân lựa chọn thực phẩm không cẩn thận sẽ nguy hiểm đến sức khỏe.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết, tập trung kiểm tra các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại địa bàn trọng điểm. Đặc biệt chú trọng kiểm tra các làng nghề sản xuất như: Sản xuất bánh, mứt, kẹo, ô mai... tại các phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) và các xã La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức)... Theo đó, từ đầu tháng 12-2022 đến nay, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện lượng bánh kẹo lớn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình là vụ việc xe ô tô mang biển kiểm soát 29D-541.xx chở nhiều thùng các tông có chữ nước ngoài, bên trong có chứa nhiều hộp bánh kẹo, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của một người phụ nữ ở huyện Phúc Thọ đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thực tế, chiếc “vòi bạch tuộc” của hàng giả, hàng nhái vẫn len lỏi khắp nơi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, cùng với những đợt ra quân kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối tượng làm hàng giả, hàng nhái của cơ quan chức năng, rất cần người tiêu dùng nâng cao nhận thức, tỉnh táo lựa chọn các mặt hàng bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích mỗi người dân nêu cao tinh thần phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.