Kinh tế

Cảnh giác trong giao dịch thương mại quốc tế

Lam Giang thực hiện 29/08/2023 07:44

Trước thực trạng số vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ đối tác, có biện pháp phòng ngừa từ xa.

Đó là chia sẻ của Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Ngô Khắc Lễ với phóng viên Báo Hànộimới.

31.jpg
Các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp để bảo đảm quyền lợi khi xuất khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trọng Hải

- Xin ông cho biết diễn biến về tình hình lừa đảo thương mại quốc tế hiện nay?

- Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì bị lừa đảo. Tỷ lệ doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Theo kết quả khảo sát năm 2022, có 52% doanh nghiệp Việt Nam từng gặp phải lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế. Những con số trên cho thấy tình hình lừa đảo thương mại quốc tế diễn biến phức tạp.

Tiêu biểu nhất ở trong nước phải kể đến vụ việc 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi có nguy cơ mất trắng khi xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cuối tháng 7-2023. Còn trước đó là vụ lừa đảo 76 container hạt điều xuất khẩu sang Italia…

- Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo song các vụ việc lừa đảo liên quan đến xuất khẩu hàng hóa vẫn không giảm. Vậy, theo ông, nguyên nhân là gì?

- Nguyên nhân là do doanh nghiệp không kiểm tra kỹ đối tác, vận dụng cách thức thanh toán chưa phù hợp…

Ngoài ra, còn bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp phòng, chống lừa đảo. Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam báo cáo cơ quan quản lý khi bị lừa đảo, lo ngại thông tin bị lộ lọt.

- Trước nhiều thủ đoạn lừa đảo phức tạp, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp?

- Đầu tiên, doanh nghiệp cần thận trọng hơn với đối tác mới giao dịch lần đầu. Phải tìm hiểu, điều tra kỹ để có độ an toàn cao nhất. Trong đó, doanh nghiệp có thể kiểm tra nhanh qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm) của mình cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh của họ cho mình.

Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.

Doanh nghiệp nên điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty… để dễ dàng xác định người đại diện, người giao dịch và doanh nghiệp đối tác thông qua đăng ký dịch vụ điện thoại, thư điện tử riêng ở nước sở tại. Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ email của công ty khi giao dịch chính thức.

Thực tế đã có vụ lừa đảo chỉ dùng điện thoại di động khiến cảnh sát nước sở tại khó xác định chủ thuê bao là ai, ở đâu.

Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng và phải coi đây là đầu tư cho kiến thức để tránh rủi ro chứ không phải làm tăng chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp cần tổ chức cho nhân viên tham gia các lớp học nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.

Doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo với các thủ đoạn như ban đầu cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí... hay trong quá trình mua bán sau đó có thể tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn, rồi lợi dụng sơ hở để gian lận, lừa đảo.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn. Chi phí này tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng và việc bảo đảm an toàn. Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp thông tin doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đặc biệt, nên sử dụng dịch vụ bảo hiểm bởi nếu xảy ra rủi ro, doanh nghiệp vẫn có thể thu hồi một phần lợi ích vật chất.

Trường hợp xác định bị lừa đảo, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hạn chế hoặc tránh thiệt hại.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung; gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên để tố cáo; bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có…

- Thưa ông, việc Việt Nam mới đây tham gia Chương trình sáng kiến hộ chiếu logistics thế giới (WLP) sẽ đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam, nhất là về phòng ngừa rủi ro thương mại?

- Thông qua WLP, các thành viên có thể nhận được nhiều lợi ích như bên bán có thể nâng cao khả năng tiếp cận và giữ chân khách hàng, truy cập được mạng lưới đối tác cũng như cơ quan quản lý nhà nước; với người mua sẽ tiếp cận được các dịch vụ của mạng lưới toàn cầu.

WLP cũng cam kết hỗ trợ các đầu mối tổ chức hoạt động; xác minh và chia sẻ thông tin của các dịch vụ cung cấp. Sự hoạt động bài bản, kết nối chặt chẽ, công khai, minh bạch của WLP cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong giao thương quốc tế cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác trong giao dịch thương mại quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.