Răng khôn mọc lệch, mọc kẹt thường gây ra tình trạng đau nhức cả hàm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng phải nhổ răng khôn.
Chớ chủ quan với răng khôn
Răng khôn là răng mọc phía trong cùng của hàm ở người trưởng thành. Răng khôn không tham gia nhiều vào chức năng nhai nhưng có thể gây nên tình trạng khó chịu như sưng viêm, giắt thức ăn; nếu mọc lệch, răng khôn có thể đâm vào răng bên cạnh, gây sứt vỡ và viêm tủy, khi để lâu còn khiến cả hàm xô lệch.
Nhiều người không xử lý sớm khi răng khôn mọc không đúng vị trí hoặc thi thoảng gặp những triệu chứng cho thấy răng mọc lệch, mọc ngầm..., dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, không ít trường hợp bệnh nhân nghĩ rằng răng khôn mọc nên mới bị đau và chủ quan trong cách vệ sinh răng miệng, chỉ đến khi xuất hiện tình trạng áp xe gây đau đớn, ăn uống kém mới đến các cơ sở y tế để điều trị.
Chị Thu Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi phát hiện mọc răng khôn, tôi thấy hơi nhức hàm nhưng lại “lười” đi khám và rất sợ phải nhổ răng. Một thời gian sau, do vị trí răng khôn mọc ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thường bị giắt thức ăn hoặc ứ đọng thức ăn gây viêm sưng vùng lợi xung quanh, hôi miệng... Tự mua thuốc điều trị viêm tấy cũng không khỏi nên tôi phải đến khám tại bệnh viện. Các bác sĩ giải thích, răng khôn không được chữa trị sớm dẫn đến nhiễm trùng sẽ lây lan sang các khu vực xung quanh như má, mang tai...”.
Thực tế, nhiều bệnh nhân chỉ vì ngại phải nhổ răng khôn mà dẫn đến áp xe vùng góc hàm mặt, nguyên nhân là răng và các tổ chức mô mềm trong vùng hàm mặt bị nhiễm khuẩn. Việc điều trị lúc này sẽ phức tạp hơn vì phải trích rạch ổ áp xe theo đường ngoài mặt, sau đó đặt dẫn lưu để bơm rửa ổ áp xe hằng ngày, điều trị bằng thuốc để vùng hàm mặt giảm sưng, đỡ đau nhức.
Áp xe răng khôn, nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể gây ra tình trạng sưng hạch ở cổ, đau nhức răng, cảm thấy đau khi nhai thức ăn hoặc cắn mạnh, thậm chí là ngậm miệng cũng bị cơn đau nhức hành hạ, có thể gây ra những cơn sốt, nếu để lâu không được chữa trị dễ khiến bệnh nhân bị co giật. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng xương ổ răng, nhiễm trùng xương hàm, nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tim mạch, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh phát triển nặng.
Khi nào thì phải nhổ răng khôn?
GS.TS Trịnh Đình Hải, nguyên Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, răng khôn thường mọc sau cùng trong khoảng thời gian từ 18 đến 30 tuổi. Do mọc ở độ tuổi trưởng thành, khi xương hàm đã phát triển ổn định nên răng khôn thường bị thiếu chỗ, dẫn đến mọc lệch.
Nếu còn chỗ, răng khôn sẽ mọc thẳng bình thường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng khi thiếu chỗ thì không mọc hoặc mọc lệch, gây đau đớn, viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu cổ răng; đặc biệt, với răng khôn hàm dưới, nhiều bệnh nhân bị lệch cả mặt vì răng khôn "phản chủ".
Với trường hợp mọc lệch, GS.TS Trịnh Đình Hải khuyên bệnh nhân nên nhổ răng khôn càng sớm càng tốt vì răng khôn vô dụng trong việc nhai thức ăn, có thể "húc" đổ răng đứng cạnh. Chưa kể răng mọc sát trong cùng sẽ khiến việc vệ sinh khó khăn, gây sâu răng, ảnh hưởng đến các răng khác.
"Việc nhổ răng khôn khó hơn các răng khác, do đó, cần chọn cơ sở y tế uy tín để tránh biến chứng có thể xảy ra" - GS.TS Trịnh Đình Hải khuyến cáo. Nếu răng khôn mọc thẳng, không bị sâu và ăn khớp với các răng đối diện, hay răng khôn mọc ngầm hoàn toàn trong xương hàm mà chưa gây ra bất cứ biến chứng nào thì nên giữ lại.
Ngoài ra, có một số trường hợp cần nhổ răng khôn như răng khôn có khe mắc thức ăn với răng bên cạnh, tương lai sẽ sớm ảnh hưởng đến răng bên cạnh; răng khôn mọc thẳng nhưng không có răng đối diện khiến cho răng khôn trồi dài gây sang chấn, loét má, lợi hàm đối diện; răng khôn mọc thẳng nhưng không đủ chỗ, bị lợi trùm lên... Do đó, khi có kế hoạch nhổ răng khôn thì nên thực hiện từ khi còn trẻ, vì khi có tuổi, việc nhổ răng khôn được cho là khó hơn và cần nhiều thời gian để phục hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.