Do bệnh viện quá tải, rất nhiều bệnh nhân xếp hàng từ 3 giờ sáng lấy số khám bệnh. Nhiều người ngủ vạ vật chờ trời sáng để kịp vào khám sớm.
Đặt sổ đánh dấu chỗ đứng
Tại bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ, Hà Nội), từ 3 giờ sáng hàng ngày, bệnh nhân đã lục tục kéo đến xếp hàng chờ lấy số khám bệnh.
Đặc biệt, những ngày đầu năm, khu khám bệnh bằng BHYT trong đêm tối rét mướt chật kín người ngồi chờ. Dưới ánh đèn vàng vọt, hàng dài người kiên nhẫn chờ đợi, không dám di chuyển vì sợ nếu đi sẽ mất chỗ.
Người bệnh đặt sổ khám bệnh và đồ dùng cá nhân dưới đất để đánh dấu vị trí xếp hàng. Ảnh chụp lúc 3h sáng 29/2 tại khu vực đón tiếp bệnh nhân của bệnh viện K - cơ sở Quán Sứ (Hà Nội). Ảnh: Trần Thường |
Nhiều người thức trắng để canh chỗ xếp hàng, những người khác lại đặt sẵn sổ khám bệnh ở trước quầy tiếp nhận bệnh nhân để người khác không tranh mất chỗ.
Đặt sổ sẵn rồi bệnh nhân nằm vạ vật ở hành lang tranh thủ ngủ chờ đến giờ bệnh viện làm việc.
Đặt đồ xếp hàng xong, nhiều người kiên nhẫn nằm hoặc ngồi trên băng ghế trong sân bệnh viện. Ảnh chụp lúc 3h sáng 29/2 tại bệnh viện K - cơ sở Quán Sứ |
Cháu bé này được khoảng 1 tuổi, vẫn còn đang bú mẹ, được cha mẹ đưa đến khám tại bệnh viện K vào rạng sáng 29/2. Tuy rét mướt, gió lạnh nhưng gần 5h sáng bố mẹ đã đưa cháu đến nơi chờ khám bệnh |
Vì đã quen với việc này nên các bảo vệ bệnh viện không làm khó bệnh nhân. Anh Tuấn (Nam Định) cho biết vợ anh phải đi nội soi nên từ nửa đêm 28/2 cả nhà đã dậy để chuẩn bị, xếp sổ nhưng ra đến bệnh viện thì mọi người cũng đã xếp khá đông từ trước.
Nhiều người đến sau phải 'cố thủ” một chỗ vì nếu di chuyển sẽ mất chỗ, phải quay lại xếp hàng từ đầu. Ảnh: Trần Thường |
5h sáng, bệnh nhân đã đứng đặc kín khu vực tiếp đón để đăng ký khám bệnh |
Nhiều bệnh nhân đến xếp chỗ từ 5h sáng nhưng 8h30 sáng mới được gọi vào khám, rồi đi xét nghiệm, sau đó chờ lấy kết quả. Tiếp theo, bệnh nhân đưa kết quả cho bác sĩ xem, khám, quay lại vào sổ, lấy thuốc. Nếu buổi sáng không kịp, có người phải mua cơm hộp ăn đợi chiều lấy kết quả.
Tình cảnh trên diễn ra ở không ít các bệnh viện ở Hà Nội.
Tại bệnh viện Bạch Mai, tình trạng cũng không sáng sủa hơn.
Cảnh thường nhật lúc 6h sáng ở bệnh viện Bạch Mai |
Theo phản ánh của nhiều người, khi người thân của họ bị ốm, mắc bệnh thì họ phải huy động người nhà đi xếp hàng từ 4-5 giờ sáng. Khi lấy được số và chờ tới lượt thì báo về cho gia đình để đưa người nhà tới bệnh viện, tránh phải chờ đợi quá lâu.
“Cò” ngang nhiên hoạt động
Tại bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ), trời chưa nhìn rõ mặt người đã xuất hiện một số “cò” khám chữa bệnh đứng chờ ở cổng. Thấy ai vừa đến, các “cò” lập tức áp sát, hướng dẫn rất tận tình; sau đó gạ gẫm người bệnh mua sổ khám bệnh.
Nếu người bệnh đồng ý, "cò" đòi công 50.000 đồng và khẳng định chắc nịch: “Bỏ ra có vài chục nghìn bạc các bác cứ yên tâm được khám nhanh và lấy kết quả sớm”. Các “cò” thường đứng trong cổng bệnh viện, trên tay luôn có sẵn một cây bút để ghi thông tin giúp bệnh nhân.
Người phụ nữ công khai ngồi trước cửa phòng khám trong bệnh viện K mời chào mua sổ khám bệnh thay vì phải mua ở quầy tiếp đón bệnh nhân |
Do lượng bệnh nhân đông đúc và quá tải triền miên nên ‘cò’ ở đây cũng “chuyên nghiệp” hơn những nơi khác: Bệnh nhân đọc tên, địa chỉ và khai bệnh cần khám, mọi giấy tờ, phòng khám, số thứ tự sẽ được “cò” lo.
Trong khi đó, loa phát thanh của bệnh viện luôn khuyến cáo người bệnh cảnh giác những tay “cò” dẫn dắt khám bệnh, ở khắp nơi trong bệnh viện cũng đều dán thông báo để bệnh nhân tránh xa các đối tượng này. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ, công an khu vực cũng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người bệnh cảnh giác các “cò”. Thế nhưng, vẫn có không ít người “dính” lưới của “cò”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.