Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo về sự suy giảm xuất khẩu

Anh Minh| 10/08/2015 05:56

(HNM) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu (XK) luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, trực tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn ngoại tệ và đóng vai trò lớn trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp (DN).


Nhìn chung, chỉ tiêu kế hoạch đều được hoạch định ở mức tăng 10% qua các năm và năm 2015 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, hoạt động XK đang diễn ra không mấy thuận lợi, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn từ các bên liên quan.

Theo Bộ Công thương, tính chung kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 7,97 tỷ USD). Đây là mức tăng khá khiêm tốn, thấp hơn chỉ tiêu một chút, nhưng còn cách xa so với kỳ vọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tốc độ tăng trưởng nói chung, mà là diễn biến của hoạt động này có vấn đề gì đáng quan ngại để nhận diện và tìm cách xử lý.

Được biết, kết quả XK đang bộc lộ một số điểm yếu, không thể xem thường. Cụ thể, KNXK của khu vực DN 100% vốn trong nước chỉ đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 29,9% tổng KNXK của cả nước, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của khu vực DN trong nước đang ngày càng mờ nhạt so với tổng KNXK, bởi nó giảm dần qua thời gian gần đây, bởi cách đây khoảng 6 tháng trở về trước thì KNXK của DN "nội" thường chiếm hơn 30% tổng KNXK.

Giá trị xuất khẩu của mặt hàng thủy sản giảm so với cùng kỳ năm ngoái.


Việc giảm sút về KNXK so với cùng kỳ năm ngoái cũng là vấn đề đáng ngại, bởi nó thể hiện việc DN trong nước vẫn chưa hồi phục một cách vững chắc, càng chưa có sự bứt phá nên phải chấp nhận một kết quả thấp hơn hẳn so với yêu cầu tăng trưởng về XK chung của nền kinh tế. Ngược lại, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng ổn định và tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao để trở thành lực lượng chủ yếu về XK; quyết định kết quả XK của nền kinh tế.

Xét về ngành hàng và lĩnh vực cho thấy, riêng nhóm sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là giữ được phong độ tăng đều đặn qua thời gian, nhưng các nhóm còn lại đang rơi vào tình thế khó khăn, trầm lắng. Đơn cử, giá trị XK của nhóm nông, thủy sản đã giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái do một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, gạo, cà phê giảm khá sâu. Nguyên nhân chủ yếu là do DN chế biến chưa đảm nhận được vai trò dẫn dắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về chất lượng, lại càng chưa đủ năng lực để tạo ra nhiều giá trị gia tăng đối với sản phẩm. DN trong nước cũng gặp khó trong việc XK nhiên liệu, khoáng sản khi KNXK giảm tới 45% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm rất sâu, do nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên liệu thế giới suy giảm cũng như do giá dầu thô giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Đó là nguyên nhân bất khả kháng, nhưng có thể lý giải sự hạn chế về kết quả XK trong 7 tháng qua.

Từ thực tiễn trên, cán cân thương mại của nền kinh tế rơi vào tình trạng bất lợi, do nhập siêu 3,4 tỷ USD; trong đó riêng khu vực DN trong nước đã nhập siêu tới 11,4 tỷ USD trong khi các DN đầu tư nước ngoài xuất siêu 8 tỷ USD. Bộ Công thương đang khẩn trương triển khai chương trình "Thương hiệu quốc gia", lấy DN làm trọng tâm phục vụ và khuyến khích các đơn vị đầu tư, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt điều kiện nhận danh hiệu này. Bộ cũng tăng cường truyền thông, tập trung vào nội dung thiết thực với DN, gồm quy định và mức giảm thuế suất đối với hàng hóa Việt Nam, đặc điểm và thị hiếu của các thị trường tiềm năng…

Như vậy, thực tế và năng lực XK của các DN "nội" đang ở vào thế yếu, chưa thể hiện được vai trò, sức mạnh đối với nền kinh tế. Vấn đề này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam sắp ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và các sự kiện này sẽ tạo ra sức cạnh tranh gay gắt hơn đối với DN "nội". Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, DN "nội" cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm cách thâm nhập thị trường thuộc các hiệp định nói trên cũng như tranh thủ các thị trường ngách, nhỏ lẻ để cải thiện tình hình, lấy lại phong độ và đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế. Thời gian từ nay đến cuối năm tuy không còn dài, nhưng vẫn hy vọng còn đủ để DN nỗ lực phấn đấu làm đảo ngược tình thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo về sự suy giảm xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.