(HNM) - Bước vào năm 2019, hoạt động giao thương của Việt Nam với các đối tác tiếp tục diễn ra sôi động. Thế nhưng, một vấn đề bất lợi đã xuất hiện, đó là tình trạng nhập siêu.
Trong tháng 1-2019, cả nước đã nhập khoảng 1 vạn xe ô tô nguyên chiếc. |
Đầu năm, cán cân xuất - nhập đảo chiều
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2019 cả nước đã nhập siêu 800 triệu USD giá trị hàng hóa. Đây là diễn biến bất lợi đầu tiên, đáng lưu ý của nền kinh tế bởi nó là sự đảo chiều so với thực tế Việt Nam đã xuất siêu 7,2 tỷ USD trong năm 2018. Nguyên nhân chính của sự nhập siêu bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp giảm tốc sau khi dồn sức xuất khẩu trong cả quý IV, nhất là tháng cuối năm 2018.
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu lại có xu hướng tăng do nhiều đơn vị, chủ dự án đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu và thiết bị, máy móc để hình thành dây chuyền sản xuất. Điều đáng ngại hơn, theo nhận định của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu năm 2019 thì tình trạng nhập siêu rất có thể xảy ra bởi mức xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh kéo theo nhu cầu sử dụng máy móc, nguyên, phụ liệu đầu vào tăng - tức là đẩy mức nhập khẩu từ nước ngoài tăng.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năm nay và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực thi một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU.
Từ đó, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, dẫn đến gia tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Một khi xuất hiện thêm nhiều dự án thì chủ dự án phải nhập khẩu nhiều dây chuyền sản xuất, nguyên phụ liệu, linh kiện... để phục vụ sản xuất. Đó sẽ là yếu tố mới trực tiếp làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu và đe dọa dẫn đến nhập siêu trong năm nay. Bộ Công Thương nhận định, năm 2019 cán cân thương mại có thể đảo chiều, chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu, với mức dự báo khoảng 3 tỷ USD.
Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh phù hợp để hãm đà nhập siêu, tiến tới lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia.
Cần sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ
Trong bối cảnh nói trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không đồng tình với cách dự báo và xác lập “kịch bản” nhập siêu khoảng 3 tỷ USD giá trị hàng hóa trong năm kế hoạch 2019 của Bộ Công Thương. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã liên tục xuất siêu trong mấy năm gần đây và không thể chấp nhận tình trạng nhập siêu trong khi các chỉ số vĩ mô, diễn biến phát triển kinh tế, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các điều kiện liên quan đều đang duy trì tốt.
Nhìn từ góc độ mặt hàng nhập khẩu, có hai vấn đề cần quan tâm. Trước hết, nếu nhập thiết bị, máy móc tăng thì không đáng lo ngại bởi đó là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hoạt động sản xuất. Nói cách khác, đó là sự nhập khẩu đáng mừng.
Tuy nhiên, nếu là nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng đắt tiền thì không nên khuyến khích. Đơn cử, trong tháng 1 vừa qua cả nước đã nhập khoảng 1 vạn xe ô tô nguyên chiếc, tăng mạnh so với cùng kỳ. Như vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động dùng khoản ngoại tệ đó đầu tư cho sản xuất kinh doanh hoặc mua xe lắp ráp trong nước, góp phần hỗ trợ sản xuất kết hợp khống chế mức độ nhập siêu.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng rất quan trọng để nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện từ nguồn nội địa. Ở đây cần sự tự giác, nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH An Việt (địa chỉ tại Khu thương mại dịch vụ Trung Văn 1, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, khi có nhu cầu sử dụng dây chuyền, thiết bị mới thì mỗi đơn vị nên cân nhắc, không nhất thiết phải mua thiết bị nước ngoài nếu doanh nghiệp trong nước đã có thể sản xuất được.
Biện pháp cuối cùng, nhưng có tính chất chủ động và căn cơ nhằm hạn chế việc nhập siêu, là tập trung cho hoạt động xuất khẩu; trong đó hướng mạnh vào các thị trường truyền thống, với sức mua cao như EU, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, hàng xuất khẩu cần được nâng cấp về chất lượng để mở rộng quy mô xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành để hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội xuất khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, năm 2019 tình hình thương mại quốc tế vẫn phức tạp, khó lường và ảnh hưởng đến Việt Nam do độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phối hợp, theo dõi sát sao diễn biến từng tháng, quý. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước phải bảo đảm chất lượng hàng hóa để người tiêu dùng chấp nhận được, giảm bớt tâm lý chuộng hàng ngoại nhập.
Tuy số liệu về nhập siêu là đáng lưu ý nhưng chất lượng, cơ cấu của hàng nhập khẩu mới là câu chuyện quan trọng hàng đầu. Đơn cử, vẫn còn tình trạng nhập về những mặt hàng bất hợp lý, thậm chí là rác thải công nghiệp gây thiệt đơn, thiệt kép cho xã hội.
Như vậy, nhập siêu xảy ra ngay trong tháng đầu năm là vấn đề đáng quan tâm, tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Bởi nếu tình trạng này tiếp diễn thì mức độ sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế; nhất là dẫn đến việc không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cũng như chỉ đạo của Thủ tướng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.