Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo mối nguy hại phóng xạ từ thép phế liệu phục vụ xây dựng

Theo VIETNAM+| 18/10/2016 14:35

PGS - Tiến sĩ Vương Hữu Tấn cho rằng, ngoài việc gắn thiết bị giám sát với các nguồn phóng xạ di động, cần lắp các thiết bị giám sát phóng xạ tại các cơ sở thu mua, tái chế sắt thép.


- Thưa Cục trưởng, mới đây ông có đề cập tới lo ngại về thép xây dựng có nguy cơ nhiễm phóng xạ, xin ông lý giải thêm về việc này?

Ông Vương Hữu Tấn: Vấn đề thép xây dựng có nhiễm phóng xạ đã từng xảy ra trên thế giới. Tại Việt Nam, sau khi có Luật Năng lượng nguyên tử, chúng ta đã ra các quy định về vấn đề này. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Thông tư 19, quy định các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế sắt thép phải có trách nhiệm tổ chức theo dõi, phát hiện việc này để ngăn ngừa vấn đề gây ra cho công chúng.

Chúng ta phải quan tâm bởi tại Việt Nam cũng từng xảy ra mất các nguồn phóng xạ. Thường thì người có được nguồn phóng xạ sẽ bán cho các cơ sở thu mua sắt thép phế liệu rồi từ đó chuyển tới các lò nấu tái chế. Hiện, nhiều lò thép công nghiệp đã có thiết bị dò phát hiện phóng xạ còn các lò thủ công không có. Đây là lỗ hổng.

Về việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, hiện nay không phải cảng biển nào cũng có thể kiểm soát tự động phóng xạ. Theo chúng tôi được biết, hiện mới chỉ có cảng biển tại Vũng Tàu được lắp 12 cổng phát hiện. Đây là kết quả từ hợp tác với Hoa Kỳ mà Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân làm đầu mối.

- Khi sống trong căn nhà có sắt thép nhiễm phóng xạ sẽ gây ảnh hưởng thế nào?

Ông Vương Hữu Tấn: Khi sống trong ngôi nhà làm bằng sắt thép nhiễm phóng xạ sẽ bị chiếu xạ thường xuyên. Nếu mức chiếu xạ quá cao, vượt cho phép thì phải đập nhà đi để thu hồi lại phóng xạ, nếu không sẽ gây nguy hại cho con người.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)


- Các nhà khoa học ở Việt Nam đã chế tạo được thiết bị giám sát nguồn phóng xạ di động. Vậy, chúng ta có làm được thiết bị đo nguồn phóng xạ không?

Ông Vương Hữu Tấn: Phóng xạ nguy hiểm nhưng rất dễ kiểm soát khi có thiết bị ghi và Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được, chỉ cần mua đầu đo.

Hiện nay, chúng tôi đặt hàng đề tài phục vụ giám sát phóng xạ tại các cơ sở tái chế, thu mua phế liệu... giờ đang giao đầu bài và một số tổ chức khoa học đăng ký và thực hiện nhiệm vụ này.

- Chúng ta sẽ quy định một cơ sở lớn thế nào thì phải lắp thiết bị này, thưa ông?

Ông Vương Hữu Tấn: Câu hỏi này đã được đặt ra trong đề tài. Nếu chúng ta bắt các cơ sở quá nhỏ phải làm thì năng lực họ không làm được. Đây là vấn đề nan giải, bởi cơ sở thu mua, tái chế rất nhỏ cũng hoàn toàn có thể mua nguồn phóng xạ bởi họ không biết. Tuy nhiên, buộc họ bỏ ra mấy chục triệu mua thiết bị thì gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Do đó, đề tài nghiên cứu này sẽ đề ra cách thức quản lý thế nào cho tốt…

- Thực tế thì người thu mua phế liệu, tái chế cũng không phân biệt được phóng xạ hay cục sắt nên mới dẫn đến việc thất thoát nguồn phóng xạ. Vậy, có cách nào để giúp họ nhận ra đây là nguồn phóng xạ nguy hiểm không?

Ông Vương Hữu Tấn: Các thiết bị chứa nguồn phóng xạ bên ngoài bao giờ cũng có logo theo quy định chung của quốc tế. Có ba cánh quạt màu đen trên nền vàng.

Gần đây, sau khi xảy ra một số sự cố mất nguồn phóng xạ tại Việt Nam, chúng tôi đã sửa đổi văn bản, bổ sung thêm quy định các nguồn phóng xạ phải có dòng chữ tiếng Việt là phóng xạ nguy hiểm chết người để người dân đọc được.

- Khi phát hiện ra nguồn phóng xạ, người dân cần làm gì, thưa ông?

Ông Vương Hữu Tấn: Khi thấy nguồn phóng xạ, người dân cần báo những người có trách nhiệm ở địa phương là UBND xã, công an… Tại các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý an toàn bức xạ ở địa phương sẽ tới triển khai các biện pháp đo, thu hồi nguồn phóng xạ ấy.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo mối nguy hại phóng xạ từ thép phế liệu phục vụ xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.