(HNMO)- Sáng nay 19-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (HTX). Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật song tại phiên thảo luận các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm,bản chất của HTX, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, lợi dụng chính sách ưu đãi cho HTX để trục lợi…
Còn ý kiến khác nhau về bản chất HTX
HTX là một loại hình doanh nghiệp hay là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, tự chủ và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ trong phiên thảo luận sáng nay.
Các đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, định nghĩa HXT là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, tự chủ và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, được quản lý dân chủ, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập, hợp tác giúp đỡ nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên như trong Dự thảo là xu thế phát triển chung, đáp ứng nhu cầu xã hội. Định nghĩa này đã bao gồm đủ nội hàm, đáp ứng yêu cầu chung của lợi ích tập thể, mang lại lợi nhuận, tăng thu nhập và việc làm cho các thành viên HTX. Đại biểu Tuấn dẫn chứng, trên thế giới mô hình HTX phát triển mạnh cùng với mô hình kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. HTX khác với doanh nghiệp ở chỗ HTX phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hồ Thị Thu Thủy (Vĩnh Phúc), Huỳnh Nghĩa ( Đà Nẵng) Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh): cho rằng Dự thảo viết HTX là một tổ chức kinh tế tập thể song bản chất lại như một doanh nghiệp. Đặt câu hỏi, phải chăng Dự thảo né tránh không đề cập tới bản chất thực của HXT, các ý kiến đề nghị nếu luật quy định HTX là một loại hình kinh tế tập thể đặc biệt thì cũng cần làm rõ khái niệm và bản chất.
Cùng quan điểm, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhấn mạnh, không thể coi HTX là loại hình doanh nghiệp đặc thù bởi nếu đã là doanh nghiệp thì không nhất thiết cần điều chỉnh Luật HTX mà cần điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Cũng có ý kiến đề xuất nên tách Luật HTX nông nghiệp riêng đặc trưng cho XHCN đem lại lợi ích cho các thành viên, các loại hình HTX khác đưa vào một dự thảo Luật khác.
Không để doanh nghiệp “núp bóng” HTX để trục lợi
Theo quy định của Dự thảo, HTX là tổ chức kinh tế tập thể do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập theo quy định của luật . Còn Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập theo quy định của luật. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng các thành phần tham gia HTX đều là những người yếu thế, họ tập trung nhau vào tổ chức HTX, được sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số lĩnh vực như vốn, đào tạo sản xuất… để phát triển sản xuất, tạo lợi nhuận cho tập thể. Tán thành với việc HTX được thành lập bởi ít nhất 7 thành viên nhưng đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) băn khoăn về cơ cấu. Bởi nếu 7 thành viên đó là tổ chức, doanh nghiệp mà không phải là những người yếu thế thì mục đích HTX sẽ bị sai lệch vì doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.
Cho rằng điểm yếu nhất trong Dự thảo là chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người yếu thế, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo hiện tượng “các doanh nghiệp núp bóng HTX để trục lợi”. Bởi theo Dự thảo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển đối với HTX, liên minh HXT nói chung. Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ cho HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn, dân tộc, miền núi về đất đai, tài chính, tín dụng, thị trường và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển trong từng thời kỳ. Vì vậy, cần bảo đảm quy định chặt chẽ rõ ràng với các đối tượng tham gia HXT, tránh sự đội lốt, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi.
Khó tiếp cận chính sách ưu đãi
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Dự thảo, đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương), Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đánh giá, dự thảo chưa đưa ra một mô hình tối ưu để khắc phục những hạn chế của mô hình HTX đã và đang tồn tại trong Luật HXT năm 2003. Đại biểu Hương Sen dẫn chứng, báo cáo tổng kết Luật HTX có nêu rõ, các HTX, nhất là hợp tác xã xây dựng chưa được hưởng ưu đãi của chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng dân cư và xã viên, tham gia vào các chương trình kinh tế - xã hội; không được thông báo về ngân sách dự án chương trình quốc gia thực hiện trên địa bàn; không được ưu tiên mời thầu những dự án mà đối tượng hưởng lợi là cộng đồng (trường học, bệnh xá, trạm, trại…). Các cơ quan có thẩm quyền chưa chú ý giao cho hợp tác xã quản lý hoặc đấu thầu quyền khai thác, duy tu, sửa chữa các công trình. Trong tín dụng thương mại, các HTX rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp; các ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp mới chỉ cho một số ít hợp tác xã vay vốn với số lượng vốn vay hạn chế. Mặt khác, cơ sở vật chất, quy mô hoạt động và chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã còn hạn chế đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn vay ngân hàng. Nợ xấu của hợp tác xã tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao và tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, các điều trong dự thảo vẫn chung chung, cơ bản giống Luật HTX năm 2003 mà chưa có bước đột phá hiệu quả.
Để Dự thảo luật khi thông qua sớm đi vào cuộc sống, các ý kiến đề nghị quy định rõ các loại hình HTX. Cần phân biệt, định nghĩa rõ đối tượng chịu đánh thuế; không nên đặt vấn đề đánh thuế HTX trong dự thảo Luật như cách đánh thuế đối với công ty; cần quan tâm đến loại hình HTX nông nghiệp và HTX giải quyết việc làm, vì đây là hai loại hình giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 7 về HTX giải quyết việc làm. Nhà nước nên hình thành quỹ tín dụng cho HTX để hỗ trợ các HTX hoạt động tốt hơn; có chính sách đặc biệt đối với quỹ tích lũy không chia của HTX…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.