Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng Triều Tiên “hạ nhiệt”

Mai Chi| 18/08/2017 06:18

(HNM) - Giữa những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự khi căng thẳng Mỹ - Triều Tiên được đẩy lên cao trào, Bình Nhưỡng đã tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công bằng tên lửa tới đảo Guam vốn đã mở ra các cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai nước trong những ngày gần đây.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng ngòi nổ xung đột vẫn hiện hữu.


Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, sau khi được quân đội giải thích về kế hoạch phóng tên lửa tấn công vùng lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẽ theo dõi thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cũng theo KCNA, Mỹ là nước đầu tiên đưa những thiết bị chiến lược tới gần Triều Tiên và cần phải đưa ra quyết định đúng đắn, thể hiện thông qua hành động cụ thể nếu muốn giảm căng thẳng tại khu vực và ngăn chặn một cuộc đụng độ quân sự nguy hiểm. Nếu người Mỹ tiếp tục có động thái liều lĩnh hòng kiểm tra sự kiên nhẫn của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ đi đến quyết định quan trọng như đã khẳng định. Mặc dù được đưa ra với giọng điệu vô cùng cứng rắn, nhưng tuyên bố này được coi là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã có sự chủ động trong việc giảm nhiệt những căng thẳng có nguy cơ dẫn đến xung đột.

Về phần mình, Mỹ cũng đã có những bước đi đối phó với cuộc khủng hoảng đang leo thang nghiêm trọng với Bình Nhưỡng. Mới đây nhất là việc gia tăng sức ép lên Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 90% tổng doanh thu thương mại của nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhất trí rằng các nước đồng minh cần tập trung ngăn chặn việc Triều Tiên phát triển các chương trình vũ khí và hạt nhân.

Trong những phát biểu gần đây, nhiều nhân vật chủ chốt của bộ máy chính quyền Mỹ như Ngoại trưởng Rex Tillerson hay Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng lên tiếng ủng hộ sự lựa chọn này. Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa tấn công đảo Guam, Ngoại trưởng Tillerson cho biết, Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh thời điểm bắt đầu đàm phán sẽ phụ thuộc vào phía Triều Tiên.

Triển vọng về việc Washington và Bình Nhưỡng sẽ cùng đối thoại giải quyết cuộc xung đột đang có thêm hy vọng khi các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin các nhà ngoại giao Triều Tiên đã đề cập tới ý tưởng đối thoại với Mỹ. Một nguồn tin giấu tên khẳng định, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã đưa ra gợi ý này với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono trong cuộc họp ngắn bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 6-8 vừa qua. Nhiều hãng truyền thông lớn như Washington Post, AP cũng khẳng định thông qua một con đường ngoại giao bí mật có tên gọi “Kênh New York”, hai bên đã tham gia nhiều cuộc đàm phán không chính thức để thảo luận hàng loạt vấn đề nóng.

Mặc dù vậy, ngòi nổ chiến tranh và xung đột trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn được tháo gỡ, nhất là khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới. Trước đây, Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc các hoạt động diễn tập như vậy là vỏ bọc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào nước này và cũng không ít lần đáp trả bằng việc phóng thử tên lửa.

Chiến tranh nếu xảy ra sẽ là thảm họa cho tất cả các bên. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đã liên tiếp thúc giục cả Mỹ và Triều Tiên kiềm chế. Tuy nhiên, việc bảo đảm hòa bình đòi hỏi nỗ lực và thiện chí rất lớn từ tất cả các quốc gia liên quan, đặc biệt trong bối cảnh chỉ một động thái nhỏ cũng có thể khiến tình hình trở nên xấu đi và có nguy cơ mất kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Triều Tiên “hạ nhiệt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.