Điểm nóng

Căng thẳng tại Trung Đông: Ngòi nổ khó tháo gỡ

Hoàng Linh 05/10/2024 - 07:08

Bất chấp những lời kêu gọi giảm căng thẳng, xung đột giữa Israel và các lực lượng trong khu vực đã leo thang với tốc độ chóng mặt. Israel giờ đây đang phải đối mặt với hàng loạt mặt trận mới, trong khi quốc tế chưa thể tìm thấy một lối thoát nào khả thi.

khu-vuc-phia-nam-thu-do-bei.jpg
Khu vực phía Nam thủ đô Beirut (Lebanon) bị Israel không kích. Ảnh: Al Jazeera

Trong ngày 4-10, Israel đã oanh tạc mạnh mẽ vào khu dân cư phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon, trong cuộc tấn công được cho là lớn nhất từ khi nổ ra xung đột ở Gaza.

Ở chiều ngược lại, lãnh thổ Israel liên tục phải hứng các cuộc tấn công từ nhiều phía. Điển hình là việc Houthis ở Yemen cùng ngày tiến hành một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào “mục tiêu quan trọng” ở Jaffa (miền Trung Israel). Cũng trong ngày 4-10, Hezbollah xác nhận đã phóng tên lửa vào vùng Haifa, đồng thời tấn công căn cứ quân sự Ilania ở miền Bắc Israel.

Có thể thấy, xung đột tại Trung Đông chỉ trong ít ngày đã leo thang tới mức chưa từng có cả về tần suất và quy mô. Israel giờ đây đối mặt hàng loạt mặt trận mới, với Hamas, Hezbollah ở cự ly gần, cho tới Houthis và thậm chí Iran ở xa hơn. Bạo lực khiến số người thương vong trong khu vực ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Riêng các đợt tấn công của Israel trên lãnh thổ Lebanon đã khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương. Trong khi đó, tại Dải Gaza đã có 41.689 người thiệt mạng, 96.625 người bị thương (tính tới ngày 2-10).

Đáng lo ngại là, bạo lực hội tụ đủ mọi dấu hiệu cho thấy xu hướng lan rộng. Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, khó có khả năng xảy ra một “cuộc xung đột toàn diện” ở Trung Đông nhưng giới quan sát lại nhận định: Thực tế cho thấy điều ngược lại. Một dẫn chứng quan trọng cho luận điểm này nằm ở việc Israel tiếp tục thúc giục người dân ở các khu vực lân cận chiến sự sơ tán, thậm chí cả một số vùng đệm được Liên hợp quốc đề xuất tại Lebanon như tỉnh Nabatieh. Động thái này được các ý kiến phân tích nhận định là sự chuẩn bị của Tel Aviv cho việc đẩy mạnh các mũi tiến công trong những ngày tới. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng không giấu kế hoạch trả đũa Iran, thậm chí cứng rắn nhấn mạnh Tehran “sẽ phải trả giá”.

Bên cạnh giao tranh trực diện, chiến sự giữa Israel và các đối thủ cũng đang tạo ra những cuộc đối đầu ngoài ý muốn. Ngày 4-10, quân đội Lebanon đã nổ súng bắn trả khi lực lượng Isarel tấn công một cơ sở quân sự ở làng biên giới Bint Jbeil của nước này. Dù cuộc đọ súng được cho là chưa dẫn đến xung đột lớn hơn giữa hai bên nhưng là diễn biến vô cùng nguy hiểm. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại miền Nam Lebanon (UNIFIL) cùng ngày cũng có phản ứng quyết liệt, bác bỏ yêu cầu của Tel Aviv đề nghị họ rời đi. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix khẳng định, các bên có nghĩa vụ phải tôn trọng an toàn và an ninh của các binh sĩ gìn giữ hòa bình.

Trong bối cảnh không có dấu hiệu nào cho thấy một giải pháp nhanh chóng tháo ngòi nổ xung đột ở Trung Đông, những câu hỏi về việc liệu cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, kết thúc ở đâu và liệu có kết thúc… chưa thể có câu trả lời. Các ý kiến phân tích đều cho rằng, sẽ rất khó để các đối thủ của Israel có thể bị đánh bại một cách dứt khoát, tức là triển vọng hòa bình vẫn xa vời. Chiến sự chưa thể chấm dứt cũng đồng nghĩa, cơ hội "bình thường hóa" quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả rập trong khu vực - một nỗ lực từng chứng kiến những diễn biến tích cực cách đây vài năm - phải gác lại vô thời hạn.

Nhìn chung, khi cơ hội xuống thang chiến sự đã “xa tận chân trời”, có lẽ những gì quốc tế cần ưu tiên triển khai lúc này là tìm mọi phương thức bảo đảm an toàn và điều kiện sinh hoạt cần thiết cho dân thường trong các vùng chiến sự, song song thúc đẩy các nỗ lực đàm phán khả thi để tìm kiếm một lối thoát trong hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng tại Trung Đông: Ngòi nổ khó tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.