Khổng Tử từng nói đại ý rằng, người mạnh là người chẳng sở hữu gì cả, chứ ai càng lắm tiền nhiều của thì càng lắm nỗi lo. Tục ngữ ta cũng đã dạy “ăn cơm với cáy thì gáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”. Còn phương ngôn hiện đại thì thẳng thắn nhận định: hiện đại thì hại điện. Có lẽ gần 50 triệu người dân Bắc Mỹ và Ca-na-đa đã thấm thía tất cả những ý này khi phải trải qua một sự cố mất điện lớn nhất trong lịch sử.
Mất điện - mất cả đèn báo tín hiệu giao thông tại thành phố Ốt-ta-oa (Canađa)
Gần như là cảnh trong ngày tận thế: Niu Y-oóc, thành phố với 10 triệu dân và có ngân sách lớn hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới, chìm trong bóng tối tới hơn 10 tiếng đồng hồ liền. Niu Y-oóc luôn được coi là “thủ đô thế giới” với hệ thống trang bị kỹ nghệ vào hàng siêu hiện đại, có lúc tưởng chừng như bất khả xâm phạm. Thế nhưng, nó hóa ra vẫn còn có những “gót chân A-sin”. Tấn thảm kịch 11-9-2001 đã chứng minh rằng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thể tìm ra những chỗ yếu của các “siêu đô thị” như Niu Y-oóc. Còn sự cố điện đêm 14-8-2003 lại cho thấy Niu Y-oóc cũng bị “hở sườn” trước các tai họa công nghệ. Mặc dù Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ ngay sau khi ánh đèn vụt tắt ở Niu Y-oóc và một dải các đô thị khác ở Đông bắc Mỹ và Đông nam Ca-na-đa(trong đó có cả những thành phố lớn khác như Đe-tơ-rôi, ốt-ta-oa, Tô-rôn-tô...) đã vội lên tiếng trấn an rằng đó không phải là hệ lụy của một vụ khủng bố mà có lẽ chỉ là do những nguyên nhân kỹ thuật nhưng thực sự thì không ai biết, sự tàn phá của các băng nhóm khủng bố hay của các sự cố kỹ thuật tệ hại hơn. Không ít những sự cố kỹ thuật cũng đã dẫn tới những thiệt hại về người.
Thảm họa Chéc-nô-bưn ở Liên Xô cũ hay vụ tầu ngầm Cuốc-xcơ cũng chỉ là do những nguyên nhân kỹ thuật nhưng đâu phải vì thế mà chúng đã không gây nên những sự chết chóc đau đớn cho biết bao nhiêu nạn nhân vô tội với những hậu quả tệ hại kéo dài tới nhiều năm sau nữa. Sự cố điện ở Bắc Mỹ vừa qua chí ít đã làm một phụ nữ chết do bị sốc. Chính ông Bu-sơ cũng phải công nhận rằng, sau sự cố này, người dân Mỹ sẽ phải mất nhiều thời gian để đưa cuộc sống của mình trở lại bình thường.
Một sự tình cờ trớ trêu: cũng trong tuần qua, cùng với sự cố mất điện ở Bắc Mỹ, vi-rút W32.Blaster.Worm đã mở đợt đại tấn công vào hệ thống máy tính toàn cầu nhằm phá hủy mọi thành quả chất xám của “gã khổng lồ” trong làng máy tính Microsoft. Thật khó hình dung nếu họa vô đơn chí và không may những tác hại của sự cố mất điện lại được cộng hưởng với vi-rut Blaster để phá hoại một mục tiêu chính trị xã hội nào đó.
Các chuyên gia của môn thảm họa học đã tính toán rằng, để tránh các sự cố tang thương thì mức độ mạo hiểm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người phải ở mức dưới một phần triệu. Hệ thống nhà máynguyên tử thế hệ mới, do sức ép của các phong trào xã hội đấu tranh vì môi trường và tương lai lành mạnh của nhân loại, đang được thiết kế sao cho tỷ lệ này nằm ở dưới mức một phần mười triệu. Tuy nhiên, không phải bao giờ chúng ta cũng có thể bảo hiểm mình được như thế. Trong ngành hàng không vũ trụ chẳng hạn, dù cố gắng đến mấy nhưng các nhà khoa học cũng vẫn chỉ duy trì đượcchỉ số phiêu lưu ở mức 3%... Lĩnh vực nguy hiểm hơn thế là thử nghiệm máy bay. Công cuộc chinh phục vũ trụ vẫn đang được tiếp tục sau khi tàu con thoi Cô-lum-bi-a gặp đại hạn. Tỷ lệ máy bay gặp tai nạn cao không thể là lý do khiến người ta thôi mua vé hàng không. Các tiến bộ khoa học sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống con người. Có điều, chơi dao thì phải biết cách, làm sao để khỏi đứt tay. Để tránh bị đau khổ không có nghĩa là thôi sống.
Đặng Đình Nguyên
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.