(HNM) - Nằm trong Cụm cảng số 5 (nhóm cảng biển Đông Nam bộ của vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh), hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nằm trong Cụm cảng số 5 (nhóm cảng biển Đông Nam bộ của vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh), hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiềm năng
Đây là cụm cảng tổng hợp quốc gia, xuất nhập hàng tổng hợp, tàu hàng container 100.000 DWT, tàu 8.000 TEU và là đầu mối tiếp nhận tàu du lịch quốc tế cỡ lớn cho toàn vùng. Nơi đây quy tụ các tuyến vận tải hàng hải quốc tế để tập kết, phân phối, lưu thông hàng hai chiều từ các tỉnh miền Đông Nam bộ tới các nước trên thế giới và ngược lại. Lợi thế này đã rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và giá thành hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu xuất phát từ Bà Rịa - Vũng Tàu sang các nước Âu, Mỹ…
Tàu nước ngoài cập cảng Phú Mỹ. |
Hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 3 cảng nước sâu hoạt động, có thể đón tàu từ 50.000 - 110.000 tấn. Việc đưa vào khai thác cảng container SP- PSA và Tân Cảng - Cái Mép thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí cảng biển nước sâu của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đây mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.
Hệ thống cảng nước sâu đi vào hoạt động làm cho vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu được nâng lên. Dòng vốn đầu tư cảng chảy mạnh, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Đầu năm 2011, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực lên 661 dự án, trong đó có 282 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; 379 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 169.597 tỷ đồng.
Và hạn chế
Với vị trí ưu việt là hệ thống cảng nước sâu phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi rất gần với tuyến hàng hải quốc tế. Nhưng điều nghịch lý là hiện tại hạ tầng giao thông phục vụ sau cảng lại chỉ được xây dựng một cách ì ạch.
Rất nhiều dự án gồm đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Vũng Tàu cũng chỉ mới được khởi động, đường sắt TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai. Tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải - công trình hạ tầng ngoài hàng rào, nối liền hệ thống cảng và 6 khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép - Thị Vải có chiều dài khoảng 21km và nhóm cảng biển số 5 cũng mới chỉ ở giai đoạn… khởi động.
Tương tự là tuyến đường 965 dài 8,5km. Đây là tuyến nối khu vực Cái Mép với quốc lộ 51 bằng nguồn vốn ODA, có tổng mức đầu tư khoảng 1.031 tỷ đồng; dù đã được khởi công từ cuối năm 2008 nhưng sau đó "nằm im". Quốc lộ 51 là tuyến đường duy nhất để vận chuyển hàng hóa, giao thương từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh về Bà Rịa - Vũng Tàu đang được đầu tư nâng cấp mở rộng. Các doanh nghiệp lo ngại, với hạ tầng giao thông như thế thì không thể đưa máy móc, thiết bị, vật tư vào xây dựng cảng; việc trung chuyển hàng hóa gần như tê liệt nhất là khi quốc lộ 51 gặp sự cố.
Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống cảng mà chưa phát triển mạnh dịch vụ logistics, các nguồn lợi lớn từ ngành dịch vụ này vẫn chưa được khai thác triệt để. Theo ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sự phát triển logistics ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp thách thức không nhỏ là các doanh nghiệp logistics của tỉnh hiện chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp vệ tinh như cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ logistics. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ.
Không chỉ riêng Vũng Tàu, nhìn chung năng lực cung cấp dịch vụ logistics trọn gói còn nhiều hạn chế, hầu như không có một nhà cung cấp nào có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh. Thay vào đó là phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Hoạt động logistics của các công ty Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 25% thị phần, nhu cầu trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.