Đầu giờ chiều 29-10 (giờ địa phương), Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada, Jim Carr đã có cuộc gặp với ông Daniel Mellsop, Cao ủy New Zealand tại Canada để thông báo về việc Canada chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ảnh minh họa. (Nguồn: dotemirates.com) |
New Zealand là quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định.
Bộ trưởng Jim Carr cho biết, Canada đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để phê chuẩn và thực hiện CPTPP.
Là quốc gia thứ 5 phê chuẩn CPTPP (sau Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand), Canada sẽ nằm trong 6 quốc gia thành viên đầu tiên được hưởng những lợi ích của CPTPP khi thỏa thuận được thực thi.
CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn. Và Canada sẽ là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các thành viên khác của G7.
CPTPP sẽ kiến tạo nên một thị trường gần nửa tỷ dân, nơi các doanh nghiệp Canada có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng. Việc phê chuẩn CPTPP là một bước đi quan trọng của Canada hướng tới đa dạng hóa thương mại.
CPTPP được giới quan sát đánh giá là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, các ngành công nghiệp của Canada sẽ có lợi thế lớn khi CPTPP được thực thi, với 99% xuất khẩu hiện nay của Canada sang thị trường này sẽ được miễn thuế. Và thắng lợi nhất có lẽ sẽ thuộc về các nhà sản xuất nông nghiệp của Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi và ngũ cốc.
CPTPP hiện có 11 thành viên (gồm Australia, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile) có quy mô kinh tế lên tới 13.500 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.