(HNMO) - Chiều 22-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019. Dự tại đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Tai nạn giảm sâu nhất trong 4 năm qua
Báo cáo tóm tắt công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, từ ngày 15-12-2018 đến 14-6-2019, toàn quốc xảy ra 8.358 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người, giảm cả ba tiêu chí so với năm 2018 và giảm sâu nhất trong 4 năm trở lại đây. Cả nước xảy ra 46 vụ ùn tắc giao thông, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công an đã ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, chở quá số người quy định… đối với các lái xe kinh doanh vận tải. Qua đó, các lực lượng liên ngành đã phát hiện, xử lý hơn 78.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 lái xe dương tính với ma túy.
“Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông được thực hiện đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Nổi bật là sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia, không lái xe” với sự tham dự của hơn 10.000 người vào ngày 12-5 vừa qua tại Hà Nội” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Dù đạt được một số kết quả nổi bật nhưng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cả nước còn xảy ra 19 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người…
Tại hội nghị, đại diện Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe; tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả công tác kiểm tra việc khám sức khỏe cho các lái xe kinh doanh vận tải; việc xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải tại các tỉnh Nghệ An, Đồng Nai…
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có các báo cáo về kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông. Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo tình hình xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm…
Năm 2019: Xóa bỏ tất cả “điểm đen” trên hệ thống quốc lộ
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm ATGT. Bộ tập trung định hướng một số vấn đề lớn trong sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, tạo nền tảng để ban hành các nghị định, thông tư liên quan, giúp công tác quản lý vận tải được tốt hơn; kết hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính với các chế tài đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm; tập trung xây dựng Nghị định 46/2016-NĐ-CP sửa đổi về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông...
Để khắc phục một số hạn chế về hạ tầng giao thông, Bộ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ hoạt động vận tải tốt hơn. Bộ cũng thường xuyên làm việc với Tổng cục Đường bộ và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh công tác xóa “điểm đen” về tai nạn giao thông.
“Năm 2019, chúng tôi sẽ xỏa bỏ tất cả các điểm đen trên hệ thống quốc lộ. Đề nghị lãnh đạo các tỉnh xuất hiện các “điểm đen” cần phản ánh và phối hợp với Tổng cục Đường bộ để xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh công tác tổ chức thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT nhằm giảm nguy cơ gây mất trật tự, an toàn giao thông, giúp hoạt động vận tải thuận lợi; tăng cường phối hợp cùng các địa phương kiểm soát tải trọng, hoạt động vận tải, chống nạn xe dù, bến cóc, xe quá khổ, quá tải làm hỏng hệ thống cầu đường.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, tập trung vào hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô và không thắt dây an toàn khi ngồi trong ô tô.
Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vào đầu năm học 2019-2020 để khởi động tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường trong tháng 9-2019; chỉ đạo các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em trên xe buýt, chỗ đông người.
Đặt tính mạng con người lên trên hết
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra những số liệu, đánh giá, nhìn nhận khá đầy đủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong quý II và 6 tháng đầu năm 2019.
Thủ tướng biểu dương Ủy ban ATGT quốc gia cùng các bộ, các cơ quan và nhiều địa phương đã có những giải pháp đồng bộ, thể hiện trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
“Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là đặt tính mạng con người lên trên hết. Do đó, cần quan tâm đến nhiệm vụ quan trọng này để xã hội bình yên hơn, gia đình hạnh phúc hơn, giảm khổ đau cho người dân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, phân tích những mặt còn hạn chế, tồn tại của công tác này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông còn rất lớn; ùn tắc giao thông còn xảy ra nhiều ở các thành phố lớn, các sân bay quốc tế; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải... Tình trạng này lặp đi lặp lại có nguyên nhân lớn từ ý thức của người điều khiển phương tiện.
“Bên cạnh quyết tâm xóa “điểm đen” về tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ, chúng ta cần quan tâm đến việc xóa các “điểm đen” ngay chính tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe… Báo chí vừa qua phản ánh về những trung tâm đào tạo lái xe khá “dễ tính”, chỉ cần học là bảo đảm thi đỗ”, Thủ tướng Chính phủ nêu vấn đề.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đề xuất việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ bởi đây là khung pháp lý quan trọng để xử lý các vấn đề đặt ra liên quan đến ATGT.
Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng khung xử phạt với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ATGT vì hiện một số chế tài chưa đủ sức răn đe.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cần tập trung đúng người, đúng thời điểm, đặc biệt là với lớp trẻ. Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp vận tải phải có chương trình giáo dục riêng hằng ngày với lái xe về việc bảo đảm ATGT, văn hóa tham gia giao thông...
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông; tăng cường các hình thức “phạt nguội”, “không để bộ máy cứ phình to mà hiệu quả không cao”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các tỉnh, thành phố lớn, trong đó có Hà Nội đã ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm điều hành giao thông thông minh, có cơ chế chia sẻ dữ liệu liên thông.
Thủ tướng cũng chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.