(HNM) - Việc Bộ Y tế công bố, 100% (247/247) mẫu nước mắm tại 5 tỉnh, thành phố được kiểm tra đều an toàn giúp người tiêu dùng trút được nỗi lo khi trước đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép.
Ảnh: Infonet |
- Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của thông tin mà Vinastas công bố?
- Thông tin của Vinastas đã được báo chí đăng tải nhanh chóng, cộng với thực tế ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn đã tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng. Nước mắm là món ăn của tất cả các gia đình Việt Nam, khi nghe thông tin có chất độc asen thì ai cũng hoang mang lo sợ. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Y tế trên cơ sở xem xét đánh giá chính xác, khoa học (lấy số mẫu nhiều hơn rất nhiều so với Vinastas), công bố 100% mẫu được kiểm tra an toàn đã lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Việc cần làm hiện nay là các cơ quan chức năng, báo chí cần tuyên truyền nhiều hơn công bố của Bộ Y tế. Những cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin chưa đầy đủ của Vinastas phải có trách nhiệm thông tin rõ ràng để lấy lại uy tín của nước mắm truyền thống.
- Có thể xem xét trách nhiệm của những cơ quan công bố thông tin về nước mắm vừa qua ra sao, thưa ông?
- Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, các cơ quan phải có trách nhiệm đánh giá tác động xã hội của thông tin nhạy cảm trước khi công bố, phải có trách nhiệm hơn với thông tin mình đăng tải. Với những thông tin đã đăng tải, gây tác hại rồi thì cần khắc phục như thế nào? Chúng ta đã có quy định pháp luật về trách nhiệm đối với các cơ quan liên quan, cần phải chiếu theo những quy định cụ thể để xem xét. Các cơ quan chức năng cần rà soát các quy định pháp luật để có chế tài đầy đủ, nhất là những trường hợp lợi dụng thông tin để trục lợi. Nếu xét thấy mức độ tác hại lớn, gây mất ổn định về kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng có thể rà soát các quy định pháp luật để có chế tài mạnh hơn. Có xử lý nghiêm những vụ việc như thế này, mới minh bạch hóa môi trường kinh doanh cũng như môi trường pháp lý.
Trước hết, cần rà soát để xem động cơ vì đâu họ đưa thông tin đó. Thứ hai, chúng ta cũng phải rà soát xem pháp luật chuyên ngành có liên quan đến đơn vị đó (Vinastas - PV) như về quy định phát ngôn thì trách nhiệm thế nào, từ đó mới có thể xác định các chế tài phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.