(HNM) - Trong số những “nguyên nhân truyền thống” dẫn đến tai nạn giao thông, ngoài các yếu tố khách quan như đường sá tại nhiều khu vực địa hình phức tạp (quanh co, đèo núi...), hạ tầng chưa đồng bộ... thì có không ít yếu tố chủ quan là kỹ năng, ý thức... của người tham gia giao thông. Đặc biệt, một yếu tố chủ quan thường xuyên được đề cập là tình trạng sử dụng rượu bia trước và cả... trong khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, hàng loạt vụ tai nạn giao thông, nhất là những sự cố thảm khốc gần đây, kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng đã cho thấy một “nguyên nhân mới”, cực kỳ đáng lo ngại: Tài xế sử dụng ma túy (dưới nhiều dạng) khi điều khiển phương tiện hoặc có “tiền sử” dùng chất gây nghiện.
Dù là uống rượu bia hay sử dụng ma túy thì đều có thể xếp chung vào nhóm sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi đó, đã có những khuyến cáo rất cụ thể dành cho người cầm lái, từ thông điệp như “đã uống thì không lái, đã lái thì không uống” đến việc các hãng dược phẩm, dược sĩ đều khuyến cáo về một số loại dược phẩm có thể gây buồn ngủ, mất kiểm soát hành vi...
Uống rượu bia, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông là hành vi có nguy cơ cao, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, như đã từng xảy ra. Đợt tổng kiểm tra, rà soát tình trạng tài xế sử dụng rượu bia, ma túy một mặt cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng, mặt khác cũng là cảnh báo về tính phức tạp của vấn đề này. Những trường hợp tạm gọi là “bị bắt quả tang” phải bị xử lý thích đáng, nhưng rõ ràng về lâu dài, yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông đòi hỏi những giải pháp dài hơi.
Trước hết, về nhóm giải pháp cần, khung pháp lý đối với những hành vi vi phạm kể trên không chỉ cần tăng nặng về mặt chế tài xử lý, cả về hành chính và hình sự (trường hợp hậu quả nghiêm trọng) mà có lẽ còn cần được bổ sung. Thực tế một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vừa qua do tài xế sử dụng rượu bia vượt ngưỡng cho phép hoặc dùng chất gây nghiện, khi phân tích, nhiều chuyên gia pháp lý đã chỉ ra rất nhiều lỗ hổng về luật. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp vận tải, cần sớm có thêm quy định ràng buộc trách nhiệm đơn vị chủ quản đối với người lao động - tài xế. Điểm tiếp theo là phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng, bao gồm nguy cơ khôn lường do chất kích thích gây ra khi tham gia giao thông. Và với “văn hóa rượu bia” người Việt hiện nay, thông điệp “đã uống thì không lái, đã lái thì không uống” cần thấm sau vào cả người mời lẫn người cầm lái.
Thứ hai, về nhóm giải pháp đủ, hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng không chỉ được tổ chức theo kiểu ra quân, kỳ cuộc mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Chỉ với riêng hoạt động kiểm tra nồng độ cồn, thực tế tại một số địa phương làm “chặt” thời gian vừa qua, không phân biệt “biển xanh”, “biển đỏ” hay “biển trắng” đã tác động không nhỏ đến ý thức người cầm lái. Nếu hoạt động này được tổ chức thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.
Một điểm mấu chốt khác là phải xử lý nghiêm sai phạm, vi phạm. Với những vụ việc thảm khốc đã xảy ra, yêu cầu là áp dụng chế tài nghiêm khắc, cả về mặt trách nhiệm hành chính, dân sự lẫn hình sự để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, trong quá trình thực thi công vụ, lực lượng chức năng phải dứt khoát nói “không”, dứt khoát không có bất cứ cái “bắt tay”, phớt lờ nào đối với bất cứ trường hợp nào vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.