Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng... mùa luyện thi

Nhóm phóng viên| 08/03/2022 06:19

(HNM) - Phương pháp xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hay đánh giá năng lực chuyên biệt… đang được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm. Nắm bắt xu hướng này, nhiều trung tâm cũng nhanh chóng liên tục quảng cáo những khóa luyện thi cấp tốc, tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, phụ huynh, học sinh cần cẩn trọng, tham khảo thông tin chính thống để bảo đảm việc học tập, thi cử đạt chất lượng cao nhất.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về đánh giá năng lực, tư duy cho kỳ thi đại học. Ảnh: Ngân Thùy

"Nở rộ" trung tâm luyện thi đánh giá năng lực

Quan tâm đến kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều phụ huynh, học sinh đã gia nhập các nhóm tuyển sinh, luyện thi, trong đó được chú ý hơn cả là các khóa luyện thi đánh giá năng lực theo tiêu chí của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hoặc năng lực chuyên biệt của các trường sư phạm…

Chị Hoàng Tố Quyên (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết: "Đồng hành với con đang học lớp 12, tôi đã gia nhập rất nhiều hội nhóm luyện thi trực tuyến (online) như “Luyện thi đánh giá năng lực 2022”, “Luyện thi cấp tốc kỳ thi đánh giá năng lực 2022”, “Chuyên luyện thi đánh giá năng lực toàn quốc”… với những lời quảng cáo "bảo đảm đạt điểm tối đa" và có những mức giá vô cùng đa dạng từ 1,2 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng tùy lịch học và số môn học".

Còn anh Đỗ Đức Minh (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: "Tôi tham gia nhiều nhóm “luyện thi đại học” trên mạng xã hội Facebook để giúp đỡ con đang học lớp 12. Sau những lời quảng cáo miễn phí nhận đề, đánh giá năng lực có đầy đủ đáp án chi tiết là đường link dẫn tới các trang web của các trung tâm, nhóm, lớp luyện thi để thí sinh đăng ký họ tên, nguyện vọng tham gia lớp học… Học phí cũng đa dạng theo hình thức học “khóa video bài giảng” hay “khóa livestream”. Tôi ủng hộ con tìm hiểu thêm thông tin nhưng luôn nhắc nhở con ưu tiên số 1 là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Trong khi đó, bản thân các em học sinh cũng đang gấp rút ôn luyện bằng nhiều cách khác nhau. Em Nguyễn Tiến Sơn (học sinh lớp 12 ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) tâm sự: "Việc quảng cáo luyện thi online em cũng đã nghe nói nhưng em nghĩ là hiệu quả không cao. Thời gian này, ngoài thời gian học tập trên lớp, em tập trung ôn luyện thêm các bài thi tham khảo, đề thi thử của Đại học Quốc gia Hà Nội".

Hiện trên mạng có rất nhiều lời quảng cáo hấp dẫn của các trung tâm luyện thi “đánh” vào tâm lý mong muốn đỗ đại học, song phụ huynh và học sinh cũng cần nắm chắc những quy định liên quan để có quyết định phù hợp.

Thí sinh tham gia đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tìm hiểu kỹ từ thông tin chính thống

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, nhà trường không tổ chức ôn luyện, không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn luyện thi đánh giá năng lực (ngoại trừ bài thi tham khảo). Tất cả các chuyên gia, cộng tác viên hoạt động liên quan thi đánh giá năng lực đều cam kết không tham gia luyện thi đánh giá năng lực. Có cả nghìn câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của kỳ thi đánh giá năng lực với khối lượng kiến thức trải rộng thì không một trung tâm luyện thi nào có thể bao quát được. Đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội thiên về đánh giá năng lực tư duy của thí sinh chứ không đánh giá khả năng trí nhớ. Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản và dành thời gian làm đề thi thử do Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp trước ngày đăng ký dự thi.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho biết, năm 2022, ngoài các phương thức tuyển sinh đang được duy trì, nhà trường bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Trường Đại học Giao thông - Vận tải cùng với các trường đại học khác như: Mỏ - Địa chất, Thăng Long, Thủy lợi… đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì nhằm mục tiêu tăng cơ hội đỗ đại học dành cho các thí sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phương châm tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy là gọn nhẹ, chỉ thi trong 1 ngày. Ngoài địa điểm thi tại Hà Nội, kỳ thi dự kiến được tổ chức tại một số địa phương như: Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An… Đề thi được thiết kế trong khuôn khổ các kiến thức được học trong bậc phổ thông nhưng tính phân loại thí sinh khá, giỏi sẽ cao hơn đề thi trung học phổ thông. Cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh và công bố công khai, khuyến khích các đơn vị chủ động hợp tác, liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương, nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh để các em phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng... mùa luyện thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.