Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tránh những dự án “ăn xổi ở thì”

L.H| 13/12/2010 14:53

(HNMO) – Theo TS. Hoàng Văn Huấn - Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Hiện có 741 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 3,175 tỷ USD xếp thứ 14 trong số 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, về thương mại, liên tục trong nhiều năm qua Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch thương mại song phương luôn hoàn thành trước thời hạn hai nước đề ra. 8 tháng đầu năm 2010, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 12,5 tỷ USD (tăng 29 % so với cùng kỳ năm 2009), các nhóm sản phẩm nhập khẩu có kim ngạch lớn là: máy móc, thiết bị phụ tùng 2,48 tỷ USD; vải và nguyên phụ liệu 1,42 tỷ USD; sắt thép 1,04 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1 tỷ USD; xăng dầu 820 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2010 đạt 45,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc trên 4 tỷ USD gồm các mặt hàng chính là than đá, cao su, sắn và sản phẩm sắn, các mặt hàng đồ gỗ, thủy sản, hạt điều.



Giao thương hàng hóa Việt - Trung tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.


Trong thương mại đầu tư với Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi mà không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng có. Đó là sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về chính trị, văn hóa và sự ủng hộ tích cực của cả hai Chính phủ.

Hai nước đã xây dựng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, Chính phủ hai nước hết sức coi trọng phát triển kinh tế thương mại song phương và có những biện pháp thúc đẩy cụ thể như xây khu vực tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), hợp tác kinh tế hai hành lang một vành đai, hợp tác tiểu vùng sông Mekong...

“Tuy vậy, để việc hợp tác kinh tế hai nước phát triển bền vững, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp hai nước cần có sự điều chỉnh về đầu tư, DN Trung Quốc cần tập trung hơn vào các dự án có quy mô lớn mang tính lâu dài và có công nghệ cao, tránh tập trung vào các dự án “ăn xổi ở thì”, khai thác tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu sử dụng thị trường nội địa. Về thương mại Trung Quốc nên tạo mọi điều kiện cho các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh vào Trung Quốc để giảm bớt nhập siêu đang khá trầm trọng cho Việt Nam” - TS. Hoàng Văn Huấn nhấn mạnh.



Các DN tìm hiểu thông tin tại "Hội nghị giao thương hợp tác sản phẩm cửa, cửa sổ, tường rèm, cấu trúc kim loại và vật liệu xây dựng Trung Quốc tại Việt Nam năm 2010".


Ý kiến từ Đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho biết: Các doanh nghiệp Trung Quốc là bạn hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển, tuy nhiên vẫn còn một số sản phẩm, dịch vụ xuất sang Việt Nam với chất lượng thấp gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giao thương giữa hai nước.

Việt Nam hiện đang nhập khẩu các hệ thống thiết bị đồng bộ, các phụ tùng thiết bị cho các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, gốm sứ xây dựng, bê tông khí chưng áp, khối xây (blôc) bê tông...; Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Cộng hoà LB Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản…; Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40 % tổng kim ngạch nhập khẩu vật liệu và nguyên liệu năm 2009, một số mặt hàng như gạch ốp lát 72 %, nguyên liệu sản xuất 60 %; hầu hết các dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng nhập khẩu theo hình thức tổng thầu EPC.

Theo đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để đáp ứng được nhu cầu, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam trong thời gian tới cần được tiếp tục đầu tư phát triển theo một số định hướng như: Đầu tư phát triển phải đảm bảo bền vững cả ba yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường; đầu tư các nhà máy xi măng hiện đại có quy mô công suất 4000 – 10000 tấn clinker/ngày, loại bỏ công nghệ xi măng lò đứng; xoá các lò gạch thủ công, thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung; chuyển công nghệ sản xuất kính kéo ngang sang công nghệ kính nổi; Tận dụng các nguồn phế thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Ra sức phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển sản xuất phụ kiện, phụ tùng thay thế, chế biến nguyên liệu, chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, giảm tỷ lệ nhập siêu trong ngành vật liệu xây dựng…

Hơn nữa, TS. Hoàng Văn Huấn cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam cũng sẽ thực hiện các cam kết quốc tế, mở cửa thị trường, tập chung ổn đinh kinh tế vĩ mô.

Năm 2010 là năm khu vực tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc chính thức thực hiện với cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và các nước ASEAN, theo đó hàng loạt các mặt hàng có thuế nhập khẩu từ 0 đến 5 % bao gồm cả dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Chính vì vậy doanh nghiệp hai nước cần tranh thủ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư nhằm góp phần vào sự thịnh vượng của cả hai nước Việt – Trung.

Những thông tin trên đã được ghi lại tại “Hội nghị giao thương hợp tác sản phẩm cửa, cửa sổ, tường rèm, cấu trúc kim loại và vật liệu xây dựng Trung Quốc tại Việt Nam năm 2010”. Hội nghị do Công ty Vienexad – Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội kết cấu kim loại xây dựng Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12/2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tránh những dự án “ăn xổi ở thì”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.