(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng:
Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ nhằm bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập cho người lao động. Ảnh: Thái Hiền |
- Trước tiên, xin ông cho biết, hệ thống pháp luật hiện hành quy định về thời gian làm thêm giờ của người lao động như thế nào?
- Điều 106, Bộ luật Lao động (năm 2012) quy định, đơn vị sử dụng lao động được sử dụng người lao động vào việc làm thêm giờ khi có sự đồng ý của họ, nhưng phải bảo đảm số giờ làm thêm không vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày. Tổng số giờ làm thêm không vượt quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt cũng không quá 300 giờ/năm.
Điều này đã được Quốc hội thống nhất cao khi thông qua Bộ luật Lao động (năm 2012) vì cho rằng sức khỏe của đa số người lao động chưa tốt, lại phải làm việc trong môi trường chưa thực sự an toàn, nếu làm thêm nhiều thời gian sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Hơn nữa, ở thời điểm đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm khá cao, nguồn cung lao động dồi dào nên không cần thiết để người lao động làm thêm nhiều giờ.
Việc hạn chế thời gian làm thêm còn là giải pháp ngăn ngừa đơn vị sử dụng lao động “né” một số trách nhiệm, nghĩa vụ cần thiết đối với người lao động và xã hội, đồng thời bảo vệ, khuyến khích người lao động làm việc tích cực, nghỉ ngơi hợp lý...
Trước đó, vấn đề làm thêm giờ cũng được quy định rõ ràng, cụ thể trong Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, quy định này ít được áp dụng nghiêm túc. Trên thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật về tổ chức làm thêm giờ diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua, nhất là tại các doanh nghiệp may mặc, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp muốn tăng thời giờ làm thêm để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chính người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
- Theo ông, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động từ 300 giờ lên 400 giờ/năm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phù hợp với thực tiễn?
- Tôi cho rằng đề xuất này xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Về phía người lao động, khi họ làm thêm vượt số giờ quy định thì tất yếu phải được hưởng phần thu nhập tăng thêm tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra.
Về phía người sử dụng lao động, trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động (năm 2012), đa số doanh nghiệp cho rằng việc giới hạn số giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng là cứng nhắc, không phù hợp với chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, gia công hàng hóa xuất khẩu.
Do đó, dù biết việc tăng thời gian làm thêm lên quá số giờ quy định là vi phạm pháp luật, nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện để có thể giao hàng kịp thời, giữ uy tín với đối tác, nhất là vào dịp mùa vụ hoặc với những đơn hàng gấp gáp.
Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại nên không thể không chấp hành các tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), càng không thể thiếu hệ thống chính sách pháp luật về lao động được xây dựng khoa học, cởi mở, hiện đại.
Như vậy, đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động từ 300 giờ lên 400 giờ/năm là một trong những giải pháp bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
- Quy định về thời gian làm thêm giờ nên được điều chỉnh ra sao cho hợp lý, hài hòa giữa các bên, thưa ông?
- Như tôi vừa trao đổi, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động hướng tới việc bảo đảm lợi ích cho nhiều phía. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, vấn đề này cần được tính toán cẩn thận để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tăng thu nhập nhưng vẫn có khả năng tái tạo sức lao động.
Theo tôi, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên đưa ra phương án tính lũy tiến về tiền làm thêm giờ. Với 200 giờ làm thêm đầu tiên thì nên áp dụng như hiện nay, tức là người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng ít nhất bằng 150% tiền công, vào ngày nghỉ hằng tuần được hưởng ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì được hưởng ít nhất bằng 300%. Với số giờ làm thêm từ giờ thứ 201 đến giờ thứ 400, tiền làm thêm cần được tính lũy tiến, số giờ tăng thêm càng nhiều thì tiền công càng cao. Số tiền công lũy tiến do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận.
Trong điều kiện hiện nay, tôi mong muốn người sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn đến điều kiện làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Người lao động nên có sự chia sẻ với những khó khăn tạm thời của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp hướng tới tương lai. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt, quá trình xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần được tiến hành cẩn trọng, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.