Cải cách hành chính

Cần thường xuyên nâng cao sự hài lòng của người dân

Hiền Thu ghi 13/12/2023 - 15:46

Tại hội thảo “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 13-12, nhiều đại biểu khẳng định, việc nâng cao sự hài lòng của tổ chức, người dân cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ):

Cần xử lý tốt những phản ánh, kiến nghị

pham-minh-hung.jpg

Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tác động đến người dân, doanh nghiệp theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân; hướng đến lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, bởi đây là yếu tố biểu lộ rõ nét sự tương tác giữa người dân và chính quyền. Tăng cường thông tin tuyên truyền đối với đội ngũ cán bộ, công chức để chuyển biến về tinh thần phục vụ, tuyên truyền cho người dân để họ hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng chính quyền. Việc này cần có sự vào cuộc của các cơ quan hành chính và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quá trình truyền truyền, vận động người dân để họ nhận thức đúng, đánh giá khách quan, công bằng.

Khi có kết quả về các chỉ số, các cấp chính quyền cần coi đó là thông tin phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành. Từ đó có giải pháp khắc phục hạn chế mà người dân chỉ ra cũng như giải pháp duy trì những nội dung được người dân đánh giá cao.

Đặc biệt, Hà Nội cần xử lý tốt những phản ánh, kiến nghị của người dân và coi đây là kênh thông tin hết sức thực tế, thực tiễn để điều chỉnh chính sách.

TS Bùi Thị Ngọc Hiền (Học viện Hành chính quốc gia):

Huy động sự tham gia của người dân

ts.-bui-thi-ngoc-hien.jpg

Từ nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương trên thế giới và một số địa phương ở Việt Nam, theo tôi, để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức với việc cung ứng dịch vụ công trên địa bàn Hà Nội, cần huy động sự tham gia của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng chính sách và cung cấp các dịch vụ công.

Cùng với việc mở rộng các kênh cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, cần phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách.

Các cơ quan cũng nên cho người dân, tổ chức biết rằng họ đang được lắng nghe và vấn đề đó đã, đang được giải quyết một cách kịp thời với sự trợ giúp của thông tin khách hàng cung cấp.

Đối với các thủ tục hành chính, cần phải hợp lý hóa quy trình giải quyết, bảo đảm được thực hiện đúng quy định với ít thời gian, chi phí nhất có thể. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng là biện pháp quan trọng để hợp lý hóa quy trình làm việc do rút ngắn được thời gian, sử dụng nguồn dữ liệu dùng chung, liên thông các thủ tục hành chính...

TS Hoàng Thị Thúy Hằng, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội:

Đề cao vai trò người đứng đầu

ts.-hoang-thi-thuy-hang.jpg

Tôi cho rằng, thời gian tới, thành phố cần tập trung hơn nữa vào một số nhiệm vụ: Quan tâm hơn nữa đến nhân tố con người trong việc nâng cao sự hài lòng của tổ chức, người dân.

Trong đó, cần xác định vai trò người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tính dẫn dắt, tác động hết sức lớn đến toàn bộ sự vận hành, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính cụ thể hơn nữa. Đồng thời tiếp tục đầu tư, tạo môi trường, không gian điều kiện làm việc thuận lợi, giảm căng thẳng, áp lực cho công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tiếp xúc với tổ chức, người dân, nhất là ở bộ phận “một cửa”.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường giao dịch với công dân, tổ chức hướng đến sự thuận tiện, văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chế tài xử lý các vi phạm trong quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công vụ.

Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP):

Xác định những điểm còn yếu và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên

do-thi-thanh-huyen.jpg

Ở góc độ nhiều năm nghiên cứu và phân tích chính sách công, tôi có một số khuyến nghị về giải pháp cải thiện sự hài lòng của người dân thành phố Hà Nội.

Đó là, cần xác định những điểm còn yếu kém và lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong năm: Huy động sự tham gia tự nguyện của người dân vào thực hiện dự án công trình công cộng ở địa phương và nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến công dân trước trong quá trình thực hiện các dự án này.

Tuân thủ việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất, để người dân biết, bàn, giám sát và yêu cầu các cấp chính quyền địa phương giải trình. Tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải trình cụ thể những vướng mắc còn tồn tại. Nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.

Bên cạnh đó, cần thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến với sự tham gia chủ động và tích cực của người dân thông qua việc đưa dịch vụ đến với người dân, nhất là người dân ở nơi xa so với trung tâm xã, thị trấn ở khu vực nông thôn; đầu tư xây mới trường tiểu học công lập, chấn chỉnh đạo đức công vụ của đội ngũ giáo viên...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần thường xuyên nâng cao sự hài lòng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.