Hà Nội cần tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố.
Đây là nội dung chính của hội thảo khoa học với chủ đề: “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 13-12.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì hội thảo.
"Thành phố chưa hài lòng"
Theo UBND thành phố Hà Nội, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 (Chỉ số SIPAS) có tỷ lệ tăng ấn tượng nhất 4,9% (xếp thứ 30/63 tỉnh, thành).
Ngoài ra, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố trong kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao. Cụ thể là toàn thành thành phố đạt 99,8%, trong đó cấp huyện đạt 99,86%, cấp xã đạt 99,82%. So với năm 2021, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở cả 3 cấp của thành phố đạt 4,94/5 điểm (đạt 98,8%).
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, để đạt kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo từ Thành uỷ, HĐND, UBND và các sở, ngành thành phố; nhất là ngành nội vụ, đã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, bổ sung kiến thức chuyên ngành để công chức thực thi công vụ được minh bạch, kịp thời. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính ngày càng nâng cao, các ngành thường xuyên rà soát loại bỏ những nội dung bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, kết quả này chưa làm thành phố hài lòng.
Cũng theo ông Cù Ngọc Trang, nguyên nhân có thể thấy được một phần do thành phố Hà Nội là địa bàn đông dân cư (10 triệu dân và khoảng hơn 350 nghìn doanh nghiệp), số lượng đơn vị hành chính của cấp huyện nhiều, số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết hàng năm lớn hơn rất nhiều so với các địa phương khác (trung bình từ 3,5 đến 4 triệu hồ sơ/năm). Đồng thời yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng cao hơn nên việc cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội có thể nhận thấy sẽ phức tạp hơn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, do tốc độ tăng dân số cơ học diễn ra nhanh, chủ yếu tập trung tại một số quận trung tâm, do vậy đặt ra nhiều áp lực và thách thức. Với riêng ngành Giáo dục, đó là việc bố trí chỗ học cho con em trên địa bàn để bảo đảm quyền lợi, công bằng. Cụ thể là phát sinh một số hệ lụy như chạy trường, chạy lớp... nhiều tệ nạn kèm theo làm một số người dân bức xúc, không hài lòng đối với dịch vụ giáo dục công.
Bên cạnh đó, quy trình đòi hỏi nhiều thủ tục và tài liệu, gây ra sự bất tiện và tốn thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan chức năng. Thông tin về quy trình, thủ tục và chính sách của các cơ quan, đơn vị không được cung cấp một cách rõ ràng và đầy đủ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc hoàn thành các yêu cầu cần thiết.
Ngoài ra, một số cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ và cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết nhiệm vụ, dẫn đến kết quả đạt được còn hạn chế… đã dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.
Chú trọng nhân tố con người
Đề xuất giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đề nghị tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Ông Nam đề xuất cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể các sở, cơ quan ngang sở, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy chế công khai, minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật về công khai, minh bạch đối với lĩnh vực quản lý, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho rằng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Chất lượng của cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cần thực hiện thường xuyên. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, như hệ thống máy tính, các phần mềm tích hợp, hệ thống trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch đơn giản, nhanh, giảm thiểu chi phí đi lại.
Với những đặc thù của quận và công tác chuyển đổi số hiện nay, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất giải pháp xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường trên cơ sở ghép các bộ phận "một cửa" của các phường có địa giới hành chính liền sát nhau và chọn một phường có trụ sở bảo đảm về diện tích, thuận lợi về giao thông để đặt trụ sở trung tâm với chức năng là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tham mưu các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian tới thành phố cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có những giải pháp đột phá, hiệu quả trong lĩnh vực cải cách hành chính. Trong đó ưu tiên nội dung người dân, tổ chức quan tâm, kỳ vọng sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền thành phố; bảo đảm sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền; tập trung rà soát, đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh phản ánh, kiến nghị để cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.