Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thực chất, hiệu quả hơn

Thế Văn| 15/10/2021 06:10

(HNM) - Với mục tiêu “xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa”, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Kết quả, Hà Nội hiện có số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới đứng đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đáng chú ý, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông thôn, các địa phương của Hà Nội đã chú trọng giữ gìn những giá trị cốt lõi mang tính truyền thống ở mỗi làng quê, đồng thời kiến tạo những giá trị văn hóa mới mang tính thời đại để nông thôn ngày càng sạch, đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Đặc biệt, nhiều địa phương còn gắn xây dựng nông thôn mới với việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp, hiện đại… Qua đó, tư duy sống xanh, thân thiện với môi trường lan tỏa trong đời sống nông thôn; những đường hoa, đường cây, con đường tranh tường đã tạo nên không gian mới, làng quê ngày càng xanh hơn, sạch hơn...

Xây dựng nông thôn mới, tạo nên những miền quê thực sự là nơi đáng sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Thủ đô phát triển bền vững, văn minh, hiện đại. Do đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11-10-2021 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Để xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường các nguồn lực cho việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn... Cùng với đó, các địa phương cần huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, củng cố thiết chế văn hóa; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới ở nông thôn.

Mặt khác là tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó xây dựng con người, gia đình, cộng đồng văn hóa giàu bản sắc và tinh thần nhân văn; tạo bước chuyển về chất trong xây dựng nếp sống văn hóa, đời sống xã hội, môi trường nông thôn... thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại.

Đối với mỗi người dân sống ở thôn quê, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tiếp tục chung tay phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, cũng như giữ gìn thuần phong, mỹ tục của mỗi làng quê… Qua đó kiến tạo nên một môi trường sống thân thiện, giàu tinh thần nhân văn, văn minh và hiện đại.

Xây dựng nông thôn mới thực chất và hiệu quả, nông dân và nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, nông thôn Hà Nội sẽ thực sự trở thành những miền quê đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thực chất, hiệu quả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.