Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết nhưng chưa đủ

Hồ Bách| 19/02/2016 06:37

(HNM) - Ngày 1-7 tới, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015 chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động. Theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, những quy định trong luật đã khá đầy đủ, từ nguyên tắc bảo đảm ATVSLĐ đến các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm và các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ để từ đó xây dựng môi trường ATVSLĐ cho người lao động.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên đặt ra là nếu không hoàn thiện đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành thì nội dung luật có chặt chẽ đến đâu, cũng... không khả thi. Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Trong đó, đáng chú ý là nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Dự thảo nghị định đề xuất: Người sử dụng lao động sẽ đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 1% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động hoặc 1% trên tổng quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (theo các đối tượng khác nhau).

Theo quan điểm của ban soạn thảo, thực hiện quy định này, khi gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp; được chữa bệnh, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề trên cơ sở mức suy giảm lao động, bảo đảm cuộc sống ổn định sau đó. Diễn biến tình hình tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng như hiện nay cho thấy, xây dựng quy định như trên là cần thiết nhưng chưa đủ. Lý do dễ thấy là khi nghị định có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải trừ tiền lương của người lao động để đóng vào quỹ. Và như vậy, đối với nhóm công nhân có thu nhập thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, sẽ không đồng thuận với quy định đưa ra. Người lao động không đồng tình có thể thỏa thuận lại với các doanh nghiệp chuyển sang làm theo hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng (đối tượng không chịu sự điều chỉnh của dự thảo nghị định). Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không phải chịu phát sinh thêm các thủ tục hành chính, người lao động không bị giảm thu nhập.

Do đó, việc cần làm là đồng thời phải tiến hành xây dựng phương án hỗ trợ, khuyến khích người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng làm việc trong các ngành nghề đặc thù, rủi ro, độc hại cao tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Giảm tối đa chi phí phải đóng của người lao động thì họ mới có động lực khắc phục khó khăn, tích cực tham gia, không tìm cách lách quy định. Từ đó, chính sách mới có cơ hội phát huy hiệu quả một cách toàn diện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết nhưng chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.