Lao động - Việc làm

Người lao động có những quyền gì để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động?

Hà Phong 24/05/2024 18:15

Hơn 300 đoàn viên, người lao động quận Hai Bà Trưng đã được cập nhật những điểm mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Ngày 24-5, tại Hội trường Trung tâm Chính trị quận Hai Bà Trưng, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề: “Những điểm mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”.

1120240524092028-1-(1).jpg
Các chuyên gia tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: PV

Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật về lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội đã giải đáp các câu hỏi của người lao động về những chính sách pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ lao động và quyền lợi của người lao động.

Theo bà Đỗ Thị Lan Chi, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cũng theo bà Lan Chi, người lao động còn được từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây: Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước; nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch; kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, kiểm tra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lao động có những quyền gì để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.