(HNM) - Những năm qua, do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh, công tác quản lý có nơi còn lơi lỏng, ý thức của người dân hạn chế... khiến công tác vệ sinh môi trường của Hà Nội chưa đạt như mong đợi.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến khi được hỏi đều mong muốn, thời gian tới, cùng với việc siết chặt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, phương tiện giao thông gia tăng mạnh là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa:
Siết chặt các nguồn xả thải
Các nguồn gây ô nhiễm không khí khu vực nội đô chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,... Song, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do bụi.
Ô nhiễm do bụi bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2,5). Nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn, những năm qua Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp như triển khai chương trình hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ; chương trình trồng 1 triệu cây xanh; phát triển hệ thống vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; ứng dụng cơ giới hóa vào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bụi thải...
Nỗ lực là vậy, nhưng tôi thấy kết quả vẫn chưa cải thiện tốt. Tình trạng người dân đốt rơm rạ vào ngày mùa, sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu hằng ngày vẫn diễn ra; người dân còn tùy tiện đốt rác, khói bụi bay mù mịt gây ô nhiễm không khí. Đã đến lúc chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần siết chặt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Chị Trần Thị Bích Hằng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm:
Tăng cường giám sát công tác vệ sinh môi trường
Hiện nay, hầu hết các quận nội thành đều quy định cụ thể giờ đổ rác, song ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng người dân tùy tiện đổ rác không đúng giờ và nơi quy định. Về phía các đơn vị vệ sinh môi trường, vẫn còn tình trạng công nhân vệ sinh chưa tròn trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Rác vương vãi sẽ góp phần sinh thêm bụi trên đường phố.
Vì thế, theo tôi, tăng cường hơn vai trò giám sát của người dân, chính quyền cơ sở: Không chỉ giám sát việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong khu dân cư nhằm phát hiện vi phạm, chính quyền và người dân cần tham gia giám sát chặt chẽ các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Cụ thể, người dân có thể tham gia giám sát lịch trình hoạt động của các phương tiện đảm nhận nhiệm vụ vệ sinh môi trường như xe phun nước giảm bụi, xe hút rác, xe hút bụi và giám sát nhân viên thu gom rác thải. Qua giám sát sẽ nắm bắt được các đơn vị này có thực hiện theo đúng lịch trình, tần suất hoạt động đã quy định hay không. Nếu phát hiện ra sai phạm như làm không đúng tần suất, làm không sạch... người dân báo cáo trực tiếp lên chính quyền các cấp để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Anh Đỗ Ngọc Minh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa:
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác vệ sinh môi trường
Xe chở đất, vật liệu xây dựng nếu không được che đậy kỹ là một tác nhân gây bụi, ô nhiễm không khí. |
Trong 2 năm gần đây, thực hiện các giải pháp nhằm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, Hà Nội đã áp dụng cơ giới hóa trong thu gom, vận chuyển rác thải, đồng thời triển khai phương án thu gom rác văn minh. Theo đó, công tác vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công nhân đã chuyển từ thu gom rác thủ công sang lái xe cơ giới thu dọn rác.
Rác và bụi trên các tuyến đường, phố giảm rõ rệt. Kết quả này đã khẳng định sự đúng đắn về định hướng cơ giới hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường của Hà Nội. Song, cũng phải thừa nhận chính quyền các cấp chưa xử lý triệt để tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra đường, phố; xe chở nguyên vật liệu làm rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường không khí...
Để khắc phục những hạn chế trên góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, hy vọng năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa hoạt động xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, trang bị thêm xe hút rác, hút bụi chuyên dụng công suất lớn. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng góp phần bảo đảm môi trường Thủ đô ngày càng trong lành, sạch sẽ.
Ông Bùi Xuân Toàn, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì:
Sớm lắp đặt thêm trạm quan trắc không khí
Được biết, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước có hệ thống quan trắc không khí theo tiêu chuẩn quốc gia. Cái được nhất mà hệ thống trạm quan trắc mang lại, đó là Hà Nội đã chủ động đánh giá được hiện trạng và diễn biến môi trường, giúp cảnh báo sớm ô nhiễm để nhân dân được biết, là căn cứ giúp thành phố có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, kịp thời.
Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt và nước ngầm. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có diện tích rộng, mật độ dân cư đông.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, rất mong thành phố tiếp tục đầu tư thêm trạm quan trắc không khí và môi trường nước tại các địa phương trên địa bàn nhằm đánh giá khách quan hiện trạng và diễn biến môi trường để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường việc đánh giá, thống kê các nguồn phát thải chính và đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.